Không thể để chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam chỉ vì 489m chiều dài mặt bằng

Thứ Sáu, 23/08/2024, 08:54

Dự án cao tốc Bắc-Nam qua Quảng Bình có chiều dài 126,43km. Đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95km. Đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài 49,93km. Đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55km. Trên địa bàn Quảng Bình có 8 nút giao, tổng diện tích đất chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.128,9ha.

Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cần chuyển mục đích sử dụng 659,74ha. Có 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư. 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.885 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, hệ thống đường dây 500kV có 13 vị trí; đường dây 220kV có 9 vị trí; đường dây 110kV có 4 vị trí giao chéo với tuyến cao tốc và nhiều hệ thống đường dây điện trung thế, hạ thế; hệ thống viễn thông đang được cập nhật.

lethuy1.jpg -0
Chỉ còn 489m chiều dài mặt bằng chưa giải phóng xong ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ Dự án cao tốc Bắc-Nam.

Bên cạnh đó, có 12 công trình hạ tầng như trụ sở UBND xã, trạm y tế, sân vận động, trường mầm non, chợ thuộc thị xã Ba Đồn và 4 công trình hạ tầng như nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non, trường tiểu học... thuộc huyện Bố Trạch bị ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ.

Sau 2 năm quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chiều dài toàn tuyến Dự án cao tốc Bắc-Nam đã căn bản giải phóng xong mặt bằng để các đơn vị thi công công trình. Song hiện nay, chỉ còn 489m chiều dài ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình đang trở thành điểm nghẽn, nút thắt trong việc giải phóng mặt bằng. Các sở, ban, ngành, địa phương ở Quảng Bình tiến hành nhiều cuộc họp, lãnh đạo tỉnh nhiều lần xuống tại hiện trường để kiểm tra, đốc thúc… nhưng vướng mắc về đoạn mặt bằng ít ỏi ở Lệ Thuỷ vẫn chưa giải quyết được.

Được biết, Dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn huyện Lệ Thủy có tổng chiều dài 31,952km, thuộc dự án thành phần Vạn Ninh-Cam Lộ. Đến nay, huyện Lệ Thuỷ đã ban hành các quyết định phê duyệt thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho 991 hộ dân với số tiền 909 tỷ đồng, tương đương 240ha với 31,95km, đạt 100%. Mặt bằng đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là 31,343km/31,952km, đạt 98,5%. Chiều dài còn lại chưa bàn giao là 489m, bao gồm: xã Trường Thủy 105m, thị trấn Lệ Ninh 45m và xã Phú Thủy 339m.

Trên đoạn đường chiều dài mặt bằng 489m còn 24 hộ còn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể có 7 trường hợp đã phê duyệt nhưng chưa nhận tiền do chờ tiền, do làm ăn ở Hàn Quốc chưa về; 3 trường hợp không đồng ý tái định cư tại vị trí đã xây dựng mà đề nghị tái định cư cùng trục đường; 12 trường hợp đang thực hiện cưỡng chế và một số vướng mắc khác đang chờ giải quyết.

Huyện Lệ Thủy đã có giải pháp thông báo chi trả sau khi có kinh phí và bàn giao trước ngày 30/8 với các trường hợp đã phê duyệt nhưng chưa có kinh phí; tiếp tục giải thích, vận động và thực hiện phương án bồi thường bằng tiền, hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế các trường hợp không đồng ý tái định cư. Thực hiện hỗ trợ sau thuế, trường hợp không đồng ý bàn giao thì tiến hành cưỡng chế khi có chính sách mới đối với trang trại điện mặt trời.

Có thể nói, trong thời gian qua, huyện Lệ Thuỷ đã phối hợp với các sở, ban, ngành nỗ lực trong việc giải phóng mặt bằng, nhờ vậy gần 1.000 hộ dân trên địa bàn đã đồng thuận, di dời để có mặt bằng thực hiện dự án. Thậm chí có trường hợp những hộ dân hiến hàng trăm m2 đất cho nhà nước để thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam như vợ chồng ông Trần Thanh Hải và Lê Thị Gái ở thôn Phú Xuân, xã Phú Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình đã hiến 244m2; gia đình ông Nguyễn Quốc Thành, trú thôn Tam Hương, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thuỷ đã tự nguyện hiến 576m2 đất không đòi hỏi đền bù… Đây là những hộ dân điển hình, có những việc làm cao đẹp gắn với công trình trọng điểm quốc gia.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình còn 489m chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (trong đó, thị trấn Lệ Ninh chưa giải quyết xong với 6 hộ dân, xã Phú Thủy 14 hộ, xã Trường Thủy 1 hộ và 1 tổ chức) đã gây cản trở rất lớn đến việc thi công Dự án cao tốc Bắc-Nam. Nguyên nhân khiến nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao nhà, đất là do không đồng thuận với phương án đền bù giá đất, loại đất, chưa đồng ý với vị trí khu tái định cư.

Chẳng hạn như gia đình ông Trần Văn Hùng ở tổ dân phố 3, thị trấn Lệ Ninh đang sinh sống trên thửa đất có diện tích khoảng 1.500m2. Gia đình ông Hùng có 3 người con lập gia đình đều sinh sống trên thửa đất vợ chồng ông đang ở. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chỉ đứng tên ông Hùng. Thửa đất cha con ông Hùng đang sinh sống nằm trong diện phải giải tỏa để có mặt bằng cho Dự án cao tốc Bắc-Nam. Huyện Lệ Thuỷ phối hợp với các đơn vị liên quan đã thống nhất hỗ trợ gia đình ông Hùng 9 tỷ đồng. Bố trí cho vợ chồng ông Hùng một lô đất tái định cư, 3 người con của ông Hùng được giao 3 lô đất không qua đấu giá nhưng phải đóng tiền sử dụng đất theo quy định.

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với gia đình nhưng chưa nhận được sự đồng ý. Ông Hùng có yêu cầu chính quyền địa phương áp dụng việc giao đất cho các con ông nhưng không được thu tiền sử dụng đất. Đồng thời gia đình ông Hùng cũng yêu cầu thêm là bố trí tái định cư trên cùng trục đường chứ không vào ở khu tái định cư của huyện đã xây dựng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình cho biết: “Theo nguyên tắc, khi xây dựng các khu tái định cư thì hạ tầng phải đồng bộ, hiện đại để đáp ứng cho nhu cầu sống tốt bằng hoặc hơn cho người dân. Hiện tại, ở thị trấn Lệ Ninh, huyện chỉ xây dựng một khu tái định cư tập trung và không còn khu đất nào khác để giao cho các hộ dân. Còn về yêu cầu của gia đình ông Trần Văn Hùng muốn định cư về phía mặt đường của trường Tiểu học Lệ Ninh thì không được. Bởi, nếu chia khu tái định cư thành khu nhỏ từng thôn như thế thì không đáp ứng được yêu cầu đồng bộ hiện đại, có điện có nước, phòng cháy chữa cháy…”.

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Dự án cao tốc Bắc-Nam là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhằm bảo đảm tiến độ. Vì vậy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương có dự án đi qua.

Cùng với cả tỉnh, thời gian qua huyện Lệ Thủy đã tập trung toàn lực để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án. Về cơ bản, người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án đều rất tích cực, đồng thuận, tạo điều kiện để giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng triển khai. Tuy nhiên, có một số hộ dân chây ỳ, không đồng thuận làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30/8 phải hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, vì vậy, huyện Lệ Thủy phải tập trung quyết liệt để hoàn thành trong mốc thời gian này. Huyện cần ban hành các quyết định cưỡng chế và xây dựng phương án bảo vệ thi công đối với các trường hợp không đồng ý với chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các tổ công tác, ban quản lý dự án và nhà thầu cần phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Dương Sông Lam
.
.
.