Vụ cô giáo xin tiền mua laptop: Hơn nửa lớp không đi học

Thứ Hai, 30/09/2024, 16:13

Sáng 30/9, có đến 24/38 học sinh lớp 4/3 của Trường tiểu học Chương Dương (quận 1, TP Hồ Chí Minh) không đến lớp, do phụ huynh còn nhiều lo lắng về giáo viên.

Chủ nhiệm lớp 4/3 là cô Trương Phương H., chính là người đã xin phụ huynh học sinh tiền hỗ trợ để mua laptop cho cá nhân, gây xôn xao dư luận mấy ngày vừa qua.

Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp 4/3 cho biết, phụ huynh của lớp chưa nhận được các thông tin chính thức từ phía nhà trường về việc tạm dừng đứng lớp của giáo viên chủ nhiệm cũng như phương án cử giáo viên thay thế cho lớp. Do đó, phụ huynh học sinh rất hoang mang, lo lắng và chưa dám cho con đi học trở lại. Nếu có giáo viên đứng lớp dạy thay thì đó là ai, dạy thay trong bao lâu, nhà trường phải thông báo cụ thể cho phụ huynh học sinh biết.

Vụ cô giáo xin tiền mua laptop: Hơn nửa lớp không đi học -0
Trường tiểu học Chương Dương - nơi cô giáo xin tiền của phụ huynh học sinh để mua laptop.

Một số phụ huynh học sinh lớp 4/3 cho rằng, nếu nhà trường không có phương án giải quyết triệt để vụ việc, thì phụ huynh sẽ tạm thời cho con ở nhà, vì các bé còn nhỏ, có thể bị ảnh hưởng không tốt từ vụ việc này.

Thầy Lê Công Minh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chương Dương cho biết, để đảm bảo không gián đoạn việc học của các em, nhà trường đã tìm được giáo viên thỉnh giảng, có chuyên môn tốt để đứng lớp giảng dạy cho lớp này.

Nhà trường không bao che cho các sai phạm của cô giáo trong vụ việc này, chỉ xin phụ huynh thời gian để xử lý. Khi nào có quyết định đình chỉ công việc giảng dạy của cô H., nhà trường sẽ có thông báo chính thức tới phụ huynh.

Cũng trong sáng 30/9, cô Trương Phương H. - giáo viên chủ nhiệm của lớp 4/3 đã gặp gỡ phóng viên báo chí để trải lòng về câu chuyện đã gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua.

Cô H. cho biết, cô bị mất laptop cá nhân tại lớp trong năm học 2022 - 2023, nên năm học trước đã không có máy để sử dụng. Trong năm học này, lớp 4/3 có tivi mới, nên cô muốn có laptop để kết nối với tivi, thuận tiện việc giảng dạy cho các em học sinh. Vì lớp có tivi mà không có laptop thì tivi chỉ để đó, mà không sử dụng được.

Để có laptop, cô H. nghĩ đến hình thức "xã hội hóa giáo dục", nên mới có chuyện xin phụ huynh học sinh hỗ trợ tiền mua laptop. Tuy nhiên, khi biết được thông tin này, hiệu trưởng nhà trường đã gọi cô đến và nói cô không được nhận sự hỗ trợ tiền mua laptop của phụ huynh học sinh và cô đã đồng ý nghe theo.

Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của hiệu trưởng, ngày 16/9, cô H. đã tạo một cuộc bình chọn trên nhóm zalo của lớp 4/3 để phụ huynh học sinh bình chọn đồng ý hay không đồng ý hỗ trợ tiền cho giáo viên mua laptop.

Về lý do tạo cuộc bình chọn này, cô H. giải thích là cớ để từ chối ý kiến hỗ trợ tiền của phụ huynh, vì đã có người phản ánh lên lãnh đạo trường thì thế nào cũng có phụ huynh không đồng ý. Kết quả cuộc bình chọn có 3 phụ huynh không đồng ý và cô cũng đã quyết định không nhận sự hỗ trợ tiền mua laptop của phụ huynh.

Về nội dung không soạn đề cương ôn tập cho học sinh, cô H. khẳng định rằng, đây không phải là nhiệm vụ của giáo viên, chứ không phải là giận dỗi gì phụ huynh sau việc hỗ trợ tiền mua laptop cho cá nhân.

Cuối buổi trò chuyện với các phóng viên, cô H. nói là đã sai khi vận động tiền hỗ trợ từ phụ huynh học sinh để mua laptop cho cá nhân, do không hiểu về các quy định trong việc xã hội hóa giáo dục.

Trước đó, tại buổi họp phụ huynh đầu năm của học sinh lớp 4/3 Trường tiểu học Chương Dương vào sáng 14/9, cô H. là giáo viên chủ nhiệm nói với phụ huynh trong lớp rằng cô mới bị mất laptop, nên muốn phụ huynh ủng hộ tiền để mua laptop cho mình. Cô nói lấy máy 11 triệu đồng, phụ huynh hỗ trợ 6 triệu đồng, cô bù 5 triệu đồng.

Ngày 28/9, nhà trường tạm thời không bố trí lớp cho cô H. dạy học trong thời gian đang giải quyết vụ việc, thời hạn là 15 ngày và còn phụ thuộc vào quá trình giải quyết vụ việc.

Nguyễn Cảnh
.
.
.