Vì sao đào tạo Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội “khắt khe” hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Thứ Sáu, 02/12/2022, 08:09

Ngày 21/10/2022, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ký Quyết định số 3638/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN với nhiều tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định.

ĐHQGHN có 9 trường đại học thành viên, 2 trường và 1 khoa trực thuộc nên quy chế mới này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người học. Vì sao nhiều tiêu chuẩn trong Quy chế của ĐHQGHN lại cao hơn so với tiêu chuẩn đã được Bộ GD&ĐT quy định? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Tổ trưởng Tổ biên soạn Quy chế của ĐHQGHN về vấn đề này.

Vì sao đào tạo Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội “khắt khe” hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo? -0
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN.

PV: Thưa GS Nguyễn Đình Đức, người học đang quan tâm tới những điểm mới của Quy chế đào tạo tiến sĩ của ĐHQGHN, và những điểm mới này có phải là “tiêu chuẩn” cao hơn so với Quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT không?

GS Nguyễn Đình Đức: Đúng là Quy chế tiến sĩ của ĐHQGHN có một số nội dung yêu cầu cao hơn quy định của Bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập với chuẩn mực quốc tế. Đó là những vấn đề rất quan trọng liên quan đến chuẩn đầu ra và yêu cầu chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) - đây các yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng luận án tiến sĩ.

Về chuẩn đầu ra: Quy chế của Bộ quy định NCS là tác giả chính của các công bố trong và ngoài nước có tổng điểm các công bố đạt 2.0 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định (các công bố trong nước có mức điểm 0.75 trở lên) và không yêu cầu công bố quốc tế. Quy chế của ĐHQGHN cũng đặt tiêu chuẩn về tổng điểm bằng với quy định của Bộ GD&ĐT nhưng quy định cao hơn ở chỗ yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế (một bài thuộc danh mục WoS/Scopus hoặc 2 công bố thuộc các ấn phẩm quốc tế khác).

Về tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ: Nếu như Bộ GD&ĐT quy định, với người chưa có chức danh GS, PGS được tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ phải là tác giả chính của tối thiểu 2 công bố khoa học trong thời gian 5 năm tính đến ngày được phân công giảng dạy thì ĐHQGHN quy định tất cả các giảng viên (kể cả các GS, PGS) tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ đều phải có công bố đáp ứng yêu cầu này. Quy định này tạo áp lực, những cũng là động lực để đội ngũ giảng viên không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực chuyên môn.

Về tiêu chuẩn cán bộ hướng dẫn luận án: Theo quy định của Bộ GD&ĐT thì tiến sĩ (chưa có chức danh GS, PGS) được hướng dẫn chính luận án tiến sĩ. Quy chế của ĐHQGHN quy định người hướng dẫn chính phải có chức danh GS, PGS hoặc có học vị TSKH. Nhưng Quy chế cũng có quy định mở, cho phép TS có các công bố quốc tế xuất sắc được hướng dẫn chính luận án tiến sĩ (có tối thiểu một công bố WoS/Scopus trong 3 năm liên tục gần nhất). Với quy định này, một mặt tạo điều kiện khuyến khích và tôn vinh các TS trẻ xuất sắc, một mặt cũng cho thấy, ĐHQGHN bên cạnh chuyên môn, còn đề cao năng lực sư phạm và kinh nghiệm, tâm thế của người thầy khi hướng dẫn luận án tiến sĩ – bậc cao nhất trong khung trình độ quốc gia.

Ngoài ra, có 2 nội dung chỉ có ở Quy chế của ĐHQGHN, khác biệt so với Quy chế của Bộ, đó là: ĐHQGHN cho phép đặc cách bỏ qua phản biện độc lập với NCS là tác giả chính của tối thiểu 3 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục WoS hoặc một bằng phát minh sáng chế/giải pháp hữu ích và 2 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục WoS có kết quả công bố phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án. Những NCS mà đáp ứng được điều kiện này là những NCS rất xuất sắc. Quy định này vừa khuyến khích NCS có động lực nỗ lực trong nghiên cứu, vừa giúp rút ngắn thời gian, thủ tục bảo vệ luận án cho NCS.

ĐHQGHN cũng có chính sách động viên, khích lệ cán bộ, giảng viên tham gia NCKH...

PV: Vậy cơ sở khoa học nào để ĐHQGHN đi đến quyết định nâng chuẩn?

GS Nguyễn Đình Đức: Tiến sĩ là bậc đào tạo trình độ cao nhất hiện nay trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chúng ta đã từng chứng kiến dư luận xã hội lên án về những lò ấp tiến sĩ, về những luận án tiến sĩ với những đề tài nghiên cứu không có nội hàm khoa học chuyên sâu. Việc ra đời những tiến sĩ kém chất lượng sẽ để lại hệ lụy lâu dài. Vì thế, việc chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo cũng như nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là cấp thiết và có ý nghĩa then chốt trong việc đổi mới giáo dục đại học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Vì sao đào tạo Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Hà Nội “khắt khe” hơn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo? -0
Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐHQGHN có nhiều chế độ chính sách để khuyến khích các nhà khoa học trẻ, các nghiên cứu sinh tài năng.

ĐHQGHN yêu cầu luận án tiến sĩ phải là kết quả nghiên cứu khoa học của NCS, chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn, có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn vấn đề đặt ra của đề tài luận án. Luận án tiến sĩ phải giải quyết một vấn đề khoa học có tính mới. Trong bối cảnh như hiện nay ở Việt Nam, yêu cầu về công bố quốc tế là cần thiết để đảm bảo tính đánh giá khách quan của các chuyên gia quốc tế với kết quả nghiên cứu của NCS. Mặt khác, cũng thông qua yêu cầu này, bắt buộc NCS phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nghiên cứu và tổng quan các thành tựu của các đồng nghiệp trong và ngoài nước, hội nhập với các chuẩn mực quốc tế.

Đào tạo NCS bài bản, chỉn chu, nghiêm túc và chất lượng, chúng ta mới có đội ngũ tiến sĩ có chất lượng, và từ đó mới có đội ngũ GS, PGS có chất lượng. Nhất là với ĐHQGHN còn có vai trò như máy cái – đào tạo TS là đội ngũ giảng viên của nhiều trường đại học khác trong cả nước.

PV: Liệu những đòi hỏi cao hơn này có hạn chế nguồn tuyển NCS không thưa GS, vì như năm 2022, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo thừa tới 3.800 chỉ tiêu NCS/hơn 5.000 chỉ tiêu được phép tuyển, lí do cũng là do quy chế của Bộ GD&ĐT đã nâng một số tiêu chuẩn?

GS Nguyễn Đình Đức: Đúng là với yêu cầu cao sẽ hạn chế việc tuyển sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm gần đây, việc tuyển NCS tính trung bình trong cả nước chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu. Nhưng với ĐHQGHN, 3 năm gần đây liên tục tuyển đạt và vượt chỉ tiêu tuyển NCS. Chỉ riêng năm 2022, ĐHQGHN đã tuyển được 350 NCS và đạt 150% chỉ tiêu được giao.

Đến nay hơn 95% NCS các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ của ĐHQGHN khi bảo vệ luận án đều có công bố trên các tạp quốc tế có uy tín. Tất cả các lĩnh vực như xã hội nhân văn, luật, kinh tế, khoa học giáo dục,… NCS khi bảo vệ luận án cũng đều đã phải có công bố quốc tế, tối thiểu là đăng trên kỷ yếu hội nghị quốc tế có phản biện. Điều này cho thấy yêu cầu công bố quốc tế với NCS là khả thi và mặc dù yêu cầu cao, nhưng ĐHQGHN vẫn là địa chỉ tin cậy và uy tín đào tạo NCS cho cả nước.

PV: ĐHQGHN có giải pháp nào để phát hiện luận án bị sao chép, trùng lặp nhiều nội dung không thưa GS?

GS Nguyễn Đình Đức: Tại khoản e) Điều 25 của Quy chế lần này đã quy định rõ ràng: Luận án và tất cả các công trình nghiên cứu khoa học trước khi gửi xuất bản, công bố hoặc bảo vệ phải được kiểm tra sao chép, trùng lặp.

PV: Với các NCS, ĐHQGHN có chính sách hỗ trợ tài chính gì dành cho họ không, thưa GS?

GS Nguyễn Đình Đức: Để thu hút NCS, năm 2018, Giám đốc ĐHQGN đã ban hành quy định cho phép các đơn vị đào tạo có thể tổ chức các chương trình, khóa đào tạo dự bị, “tiền tiến sĩ” để đồng hành giúp các ứng viên tương lai chuẩn bị tốt chuyên môn, hướng nghiên cứu và ngoại ngữ, chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc làm NCS.

Cũng từ năm 2018, ĐHQGHN đã có chương trình học bổng hỗ trợ NCS. Mức học bổng bằng mức học phí. Mới đây, năm 2021, Giám đốc ĐHQGHN đã có học bổng cho các NCS xuất sắc lên đến 100 triệu đồng/năm. Hằng năm, ĐHQGHN cũng nhận được hàng trăm suất học bổng có giá trị cao của các tổ chức, doanh nghiệp cho người học.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN còn có các chương trình đào tạo tiến sĩ liên kết, hợp tác với các đại học lớn có uy tín của nước ngoài, theo mô hình 2+2, 3+1,… NCS có thời gian học 1-2 năm trong nước và sau đó ra nước ngoài học tiếp, được nhận học bổng toàn phần của nước ngoài và khi tốt nghiệp được 2 bên đồng cấp bằng tiến sĩ.

Theo thống kê của chúng tôi, có đến hơn 90% các công bố quốc tế có liên quan đến đào tạo NCS. Đào tạo NCS có ý nghĩa quan trọng và sống còn với đại học định hướng nghiên cứu tiên tiến, với các đại học ưu tú như ĐHQGHN.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.