Văn hóa ứng xử là giá trị cốt lõi để tạo dựng môi trường học đường lành mạnh

Thứ Tư, 18/12/2024, 15:05

Tại Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 18/12, nhiều ý kiến đã khẳng định văn hóa ứng xử là giá trị cốt lõi để tạo dựng môi trường học đường lành mạnh; là nền tảng quan trọng để giáo dục đạo đức và lối sống cho học sinh, sinh viên.

Ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ là giá trị cốt lõi để tạo dựng môi trường học đường lành mạnh.

Các hoạt động này không chỉ tiếp thu giá trị văn hóa vùng miền và tinh hoa văn hóa nhân loại mà còn nâng cao đời sống tinh thần, khả năng cảm thụ văn hóa - nghệ thuật, đồng thời trở thành động lực để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp cho đội ngũ nhà giáo và học sinh, sinh viên; từ đó  góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Văn hóa ứng xử là giá trị cốt lõi để tạo dựng môi trường học đường lành mạnh -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT nhằm góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức; hình thành thói quen, ý thức tốt nhằm hoàn thiện nhân cách học sinh, sinh viên; tạo điều kiện để học sinh, sinh viên giao lưu, học hỏi, tiếp thu giá trị văn hóa các vùng, miền và tinh hoa văn hóa nhân loại; từ đó góp phần điều chỉnh những hành vi ứng xử lệch lạc, thiếu chuẩn mực văn hóa của mọi thành viên trong cơ sở giáo dục; ngăn chặn các hành vi bạo lực, các tệ nạn xã hội, các hành vi trái với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam...

Từ góc độ quản lý cơ sở đào tạo giáo viên, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề cập tới vai trò then chốt của việc xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong các cơ sở giáo dục. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, là người đứng đầu một đơn vị đào tạo giáo viên, trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc thực thi các quy định mà còn ở việc định hướng, bồi dưỡng nhận thức và năng lực thực hành văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhà giáo tương lai. Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhấn mạnh, sự thành công của việc triển khai Bộ quy tắc ứng xử không chỉ phụ thuộc vào nội dung quy định mà còn vào tinh thần, thái độ và trách nhiệm của từng cá nhân trong nhà trường, từ cán bộ quản lý, giảng viên đến sinh viên sư phạm. Điều này sẽ góp phần xây dựng môi trường học đường văn minh, thân thiện và là tiền đề để các sinh viên sư phạm áp dụng vào thực tiễn giảng dạy sau này.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học là nền tảng quan trọng để giáo dục đạo đức và lối sống cho học sinh, sinh viên. Văn hóa ứng xử không chỉ là các quy định nguyên tắc mà còn giúp định hình nhân cách, ý thức trách nhiệm và thái độ tôn trọng trong cộng đồng học đường. Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở giáo dục cần tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh và lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử vào chương trình đào tạo, qua các hoạt động ngoại khóa và chính khóa, giúp học sinh, sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp và tinh thần đoàn kết.

Đại diện Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cũng đã chia sẻ về thực trạng và bài học kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho học sinh, sinh viên. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục giá trị văn hóa và kỹ năng sống. Do đó, việc lồng ghép nội dung văn hóa vào giảng dạy và ngoại khóa là yếu tố then chốt để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, giàu bản sắc, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Huyền Thanh
.
.
.