Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học có gì mới?

Thứ Bảy, 21/09/2024, 08:08

Bắt đầu từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Tại thời điểm này, phương án tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 sẽ được điều chỉnh như thế nào đang là mối quan tâm của giáo viên, phụ huynh và học sinh khi đây là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018.

mon-thi-tn.jpg -0
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa: CTV.

Những điều chỉnh đáng chú ý

Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dự kiến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi. Thay vì thi 6 môn như trước (3 môn bắt buộc và 3 môn thành phần trong tổ hợp môn tự chọn), thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số những môn học còn lại. Trong số các môn thi tự chọn, có 2 môn lần đầu tiên sẽ được thi tốt nghiệp THPT là Tin học và Công nghệ.

Thông tin thêm về những điểm mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm và tăng cường tính phân hoá của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi như tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số. Việc truyền tải đề thi sẽ có thêm phương thức mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Về tổ chức điểm thi, phòng thi sẽ được sắp xếp theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi như cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh; thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt kỳ thi, ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố. Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp THPT như quy định hiện nay.

thi-tot-nghiep.jpg -0
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa: CTV.

Nhiều trường ĐH dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp

Từ năm 2025, sẽ có thêm một số đơn vị tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh. Theo đó, bên cạnh các kỳ thi riêng có quy mô lớn như Kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội, Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Kỳ thi đánh giá của Bộ Công an… thì năm 2025, Bộ Quốc Phòng cũng tổ chức kỳ thi riêng để làm căn cứ tuyển sinh vào các trường quân đội.

Theo Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng, dự kiến bài thi đánh giá năng lực này gồm các nội dung Toán, Ngữ văn, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên... Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính. Các trường quân đội dự kiến sẽ dành khoảng 30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng bài thi này trong năm 2025. Còn theo thông tin từ Trường ĐH Sư phạm 2, từ năm 2025, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng để xét tuyển, đưa các phương thức xét tuyển vào trường tăng lên thành 6 thay vì 5 phương thức như hiện nay. Với việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển truyền thống của các trường sẽ giảm để dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển mới.

Theo đề án tuyển sinh vừa được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Bách Khoa Hà Nội công bố, các đơn vị này cũng dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT 2025. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ giảm từ 18% của năm 2024 xuống còn 15% vào năm tới. Việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội giảm theo lộ trình khi 5 năm trước, tỷ lệ này là 70%. Phương thức xét tuyển kết hợp của trường từ năm 2025 sẽ tăng từ 80% lên 83%.

Còn tại ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2025, chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến cũng được nhà trường giảm từ 50% của năm 2024 xuống còn 40%, tăng chỉ tiêu xét tuyển các phương thức còn lại. Trường ĐH Thương mại Hà Nội cũng dự kiến giảm chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tăng chỉ tiêu cho các phương thức như xét kết quả đánh giá tư duy, đánh giá năng lực…

Liên quan đến phương án tuyển sinh ĐH năm 2025, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Cùng với quá trình đẩy mạnh tự chủ ĐH, tuyển sinh ĐH đã có nhiều thay đổi mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Trong bối cảnh giáo dục phổ thông đi đến chặng cuối của đổi mới, Kỳ thi tốt nghiệp THPT bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, những điều chỉnh, đổi mới về công tác tuyển sinh là cần thiết để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục ĐH.

Từ định hướng như vậy, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục ĐH vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.

Huyền Thanh
.
.
.