Trúng tuyển đại học sớm, thí sinh đừng chủ quan!
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 100 trường đại học (ĐH) thông báo phương án tuyển sinh năm 2023. Trong số này, có rất nhiều trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển sớm, trong đó có phương thức xét tuyển học bạ.
Khách quan mà nói, trong điều kiện các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh như hiện nay, việc xét tuyển sớm một mặt vừa giúp các trường chủ động về nguồn tuyển, vừa “mở rộng” cánh cửa vào ĐH cho học sinh. Tuy vậy, thí sinh cũng cần hết sức lưu ý các quy định của Bộ GD&ĐT về xét tuyển sớm và thận trọng trong việc lựa chọn ngành học phù hợp.
Xét tuyển sớm là sử dụng các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, được các trường ĐH thu nhận hồ sơ và công bố kết quả xét tuyển (trúng tuyển có điều kiện) trước kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm: Xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... Trong các phương án xét tuyển sớm, xét tuyển bằng học bạ đang được nhiều trường ĐH chú trọng với tỷ lệ chỉ tiêu tương đối lớn. Đặc biệt, hiện một số trường ĐH đã công bố thời gian, chỉ tiêu và đang “chạy đua” tiếp nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng học bạ bậc THPT. Đơn cử như ĐH Thành Đô thông báo xét tuyển học bạ từ ngày 7/1 đến 30/4; Trường ĐH Kỹ thuật Nam Định cũng thông báo nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập từ tháng 2/2023; ĐH Phenikaa xét tuyển học bạ từ ngày 10/2 đến 10/6; ĐH Hoa Sen xét tuyển học bạ đợt 1 từ 27/2; ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh xét tuyển học bạ từ ngày 1/3 đến 6/6;...
Mặc dù trong quá trình xét tuyển bằng học bạ, các trường ĐH chủ yếu chỉ dựa vào kết quả học tập 3 năm hoặc 2 năm bậc THPT của thí sinh. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của Bộ GD&ĐT, đây mới chỉ là điều kiện cần. Do đó, thí sinh tham gia các phương thức xét tuyển sớm, trong đó có phương thức xét tuyển bằng học bạ bậc THPT cần hết sức lưu ý, kết quả xét tuyển sớm chỉ được công nhận chính thức sau khi các em đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, thí sinh tham gia xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Sau này, với những trường hợp đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển chung.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc các trường xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ THPT là cơ hội lớn để các thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH như mong muốn nhưng cũng là việc phải hết sức thận trọng. Việc nộp hồ sơ xét tuyển sớm là cơ hội nhưng nếu lựa chọn không chính xác, không hội tụ mọi yếu tố về đam mê, năng lực, cơ hội phát triển bản thân… thì thí sinh cũng sẽ dễ rơi vào tình thế gián tiếp “tự làm khó mình”.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới nhưng sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và thí sinh trong quá trình xét tuyển; hạn chế tối đa nhầm lẫn. Bên cạnh đó, một số quy định mới về chính sách ưu tiên đã được quy định trong quy chế tuyển sinh năm 2022 và có hiệu lực từ năm 2023.
Cũng theo bà Thuỷ, dự kiến thời gian thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển ĐH vào tháng 7/2023. Với các trường hợp thí sinh đăng ký xét tuyển sớm, ngoài việc đăng ký trực tiếp tại các trường, sau khi có kết quả xét tuyển, nếu đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh vẫn phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để lọc ảo. Và trong quá trình xét tuyển sớm, các trường không được phép yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
THPT công lập năm học 2023-2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/6 tới. Cụ thể, sáng 10/6, học sinh sẽ thi môn Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2. Buổi chiều, học sinh thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, hệ số 1. Đối với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh chọn một trong các thứ tiếng như: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi Ngoại ngữ khác với tiếng đang học tại trường THCS. Sáng 11/6, học sinh thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2. Năm học 2023-2024, trên cơ sở tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh, học sinh cũng như đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngày 22/2, UBND TP Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh giảm số lượng môn thi từ 4 môn xuống còn 3 môn nhằm giảm áp lực cho học sinh.
Hùng Quân