Tránh “bẫy” học phí khi chọn trường, chọn ngành

Thứ Tư, 17/08/2022, 08:39

Ngày 20/8 là thời hạn cuối cùng để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Theo nhiều chuyên gia, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về học phí của các trường đại học và cũng phải xem đây là một trong những yếu tố quan trọng khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường.

Bên cạnh lộ trình điều chỉnh tăng học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ từ năm học 2022-2023, thí sinh cũng cần chú ý cả cách thức tính học phí của các trường để tránh “bẫy” học phí.

Tránh “bẫy” học phí khi chọn trường, chọn ngành -0
Chuyên gia tư vấn cho phụ huynh, học sinh về cách thức chọn ngành, chọn trường tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022.  Ảnh minh họa.

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, từ năm học 2022-2023, mức trần học phí các khối ngành: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); Nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); Kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật là 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); Y Dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng)... Như vậy, mức trần học phí đối với nhóm ngành Y Dược sẽ tăng cao nhất. Do đó, các thí sinh có nguyện vọng vào khối ngành Y Dược cần cân nhắc xem điều kiện tài chính của gia đình có phù hợp không, nhất là trong bối cảnh khối ngành Y Dược có thời gian đào tạo kéo dài nhất.

Theo thông báo của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, học phí năm học 2022-2023 tăng 10% so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, ngành Răng - Hàm - Mặt có mức học phí cao nhất lên tới 77 triệu đồng/năm học. Khoa Y - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố mức thu học phí năm 2022 là 66 triệu đồng/năm, năm 2023 là 72,6 triệu đồng/năm. Ngành Dược học có mức học phí năm 2022 là 60,5 triệu đồng/năm, năm 2023 là 66,55 triệu đồng/năm; cao nhất là ngành Răng - Hàm - Mặt với mức học phí 96,8 triệu đồng năm 2022 và 106,48 triệu đồng năm 2023. Năm học 2022-2023, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch có mức học phí cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm học với ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm học.

Còn theo thông báo của ĐH Y Hà Nội, mức học phí năm 2022-2023 cao nhất là ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến với 37 triệu đồng/năm. Ở hệ đại trà, các ngành Răng - Hàm - Mặt, Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng mức thu 24,5 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại là có mức học phí 18,5 triệu đồng/năm. Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có mức học phí các ngành hệ chuẩn là 24,5 đồng/năm; học phí ngành Răng - Hàm - Mặt hệ chất lượng cao là 60 triệu đồng/năm. Đại học Dược Hà Nội cũng thông báo điều chỉnh học phí áp dụng từ năm học 2022-2023 với hệ đại trà các ngành Dược học 24,5 triệu đồng/năm học; ngành Hoá dược 18,5 triệu đồng/năm học; hệ chất lượng cao học phí 45 triệu đồng/năm học. Đại học Y Dược Cần Thơ cũng áp dụng mức học phí 24,6 triệu đồng/năm từ năm học 2022-2023…

Học phí nhóm ngành Pháp luật và Công nghệ thông tin cũng được điều chỉnh tăng mạnh so với năm 2021. Trong số này, đáng chú ý nhất là trường hợp của ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, học phí hệ đại trà và chất lượng cao đều tăng phi mã. Học phí hệ đại trà cho các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh năm 2022 là 31,25 triệu; năm 2023 là 35,25 triệu, năm 2024 là 39,75 triệu; năm 2025 là 44,75 triệu; học phí hệ đại trà cho ngành Quản trị-Luật và ngành Ngôn ngữ Anh năm 2022 là 37,8- 39 triệu và năm 2025 là trên 50 triệu. Học phí hệ chất lượng cao cho các ngành Luật, Quản trị kinh doanh năm 2022 là 62,5 triệu, năm 2023 là 70,5 triệu, năm 2024 là 79,5 triệu, năm 2025 là 89,5 triệu; học phí hệ chất lượng cao ngành Quản trị- Luật năm 2022 là 71,16 triệu đồng, năm 2023 là 83,66 triệu đồng, năm 2024 là 94,34 triệu đồng, năm 2025 là 106,2 triệu đồng.

Riêng với hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh, học phí năm 2022 là 165 triệu đồng, năm 2023 là 181,5 triệu đồng, 2024 là 199,7 triệu đồng, năm 2025 là 219,7 triệu đồng. Còn trong đề án tuyển sinh năm 2022 của trường Đại học Luật Hà Nội, mức học phí với sinh viên hệ chính quy tuyển sinh từ năm học 2022 - 2023 là 572.000 đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1,605 triệu đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao; tăng khoảng trên 50% so với năm học 2021. Tương tự, mức học phí nhóm ngành công nghệ thông tin chương trình đào tạo đại trà cũng được nhiều trường đại học điều chỉnh dao động trong khoảng từ 18,5 triệu đồng-28 triệu đồng/năm, riêng chương trình chất lượng cao dao động từ 30 triệu-80 triệu đồng/năm tuỳ trường…

Theo các chuyên gia tuyển sinh, bên cạnh lộ trình tăng học phí, thí sinh cũng cần chú ý thêm cách tính học phí của các trường vì cách tính học phí hiện nay không đồng nhất, có trường tính theo năm, theo kỳ, theo quý, có trường tính theo tín chỉ. Kinh nghiệm cho thấy, đối với cách thức tính học phí theo tín chỉ, học sinh và phụ huynh cần nắm được tổng số tín chỉ trong cả khoá học để ước lượng, quy đổi ra tổng học phí, tránh tình trạng trong học kỳ đầu hoặc năm học đầu tiên khi gửi giấy báo trúng tuyển cho thí sinh, nhà trường chỉ sắp xếp số lượng tín chỉ học rất khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng học phí thấp. Trong khi đó, số lượng tín chỉ chủ yếu tập trung vào các kỳ sau, năm sau nên thực chất học phí cho toàn khoá học lại rất cao. Còn đối với nhóm trường tính học phí theo quý 3 tháng 1 hoặc chia nhỏ ra thành 1 năm 3 kỳ, phụ huynh và học sinh cũng cần quy ra tổng học phí cho cả 1 năm học để tránh tình trạng “chia nhỏ để đánh lừa cảm giác”.

Ngoài ra, cũng có những ngành ngoài học phí còn phải mất nhiều chi phí học liệu, chi phí đi thực tế, sử dụng vật tư phòng thí nghiệm… nên tổng chi phí toàn khoá học có thể sẽ rất cao. Nếu không tính đúng, tính đủ, khi học một thời gian, người học không đủ điều kiện kinh tế để chi trả, dẫn đến việc phải nghỉ học giữa chừng sẽ rất đáng tiếc.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã quy định rõ các trường phải công khai học phí nhưng trên thực tế vẫn có những cách “lách”, như có trường chỉ đưa một vài dòng thông tin rất mờ nhạt trong đề án tuyển sinh hay vẫn đăng lên cổng thông tin của trường nhưng sau đó lại ẩn ở một vị trí rất khó tìm, thậm chí có trường không công khai học phí đúng thời gian quy định, đợi khi thí sinh đăng ký xét tuyển được một thời gian mới công bố. Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, để minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho người học, Bộ GD&ĐT cần có những quy định rõ ràng hơn trong việc công khai học phí, chương trình đào tạo như quy định rõ thời gian công bố, vị trí đăng thông tin công bố và số lần công bố.   

Huyền Thanh
.
.
.