TP Hồ Chí Minh quy định chương trình ngoài giờ chính khóa

Thứ Năm, 29/08/2024, 18:50

Ngày 29/8, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết vừa có hướng dẫn thực hiện chương trình nhà trường ngoài giờ chính khóa năm học 2024 - 2025.

Theo đó, chương trình nhà trường là các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa không thuộc các nội dung giáo dục có trong kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.

Chương trình nhà trường được triển khai tại các trường học nhằm mục tiêu giúp học sinh phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết, ý thức và nhân cách công dân; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

TP Hồ Chí Minh quy định chương trình ngoài giờ chính khóa  -0
Chương trình nhà trường được xây dựng đảm bảo sự tham gia tự nguyện của học sinh, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Chương trình nhà trường được xây dựng theo 3 định hướng:

Chương trình nhà trường thuộc các lĩnh vực giáo dục: ngôn ngữ; giáo dục thể chất; văn học – nghệ thuật; khoa học xã hội; công nghệ-tin học; khoa học tự nhiên; hướng nghiệp; đạo đức-công dân; kinh tế-pháp luật.

Chương trình nhà trường thuộc các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông: hoạt động trải nghiệm có chức năng chủ yếu là thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đạo đức, giá trị, niềm tin, lý tưởng, thẩm mỹ, sức khỏe, thái độ lao động, nguyên tắc hành vi, lối sống và kỹ năng sống,...

Chương trình nhà trường thực hiện các đề án, kế hoạch của thành phố và ngành giáo dục. Chương trình nhà trường được xây dựng đảm bảo sự tham gia tự nguyện của học sinh, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường.

Khi tổ chức lấy ý kiến đồng thuận, nhà trường phải đảm bảo nhận được tính cá nhân tự nguyện tham gia của người học. Tuyệt đối không lấy ý kiến đại diện phụ huynh. Sau khi nhận được sự đồng thuận và đăng ký tham gia của cha mẹ học sinh, hiệu trưởng giao các tổ, nhóm và các cá nhân phụ trách tổ chức thực hiện.

Để xây dựng và thực hiện chương trình nhà trường, hiệu trưởng các trường cần thực hiện theo một quá trình, bao gồm các bước phân tích nhu cầu, xác định mục đích và mục tiêu, thiết kế chương trình nhà trường. Chương trình này cần thông qua hội đồng trường phê duyệt và có đánh giá kết quả vào cuối mỗi năm học.

Đặc biệt, nhà trường cần quan tâm đến tính hiệu quả để nhận được sự đồng thuận và phối hợp từ cha mẹ học sinh.

Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường khi tổ chức lấy ý kiến phải đảm nhận được tính cá nhân tự nguyện tham gia của người học (không được lấy ý kiến đại diện). Chương trình nhà trường thực hiện theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và lưu trữ hồ sơ phục vụ yêu cầu công tác kiểm tra, thanh tra theo quy định.

Khi xây dựng chương trình nhà trường, hiệu trưởng cần giao các tổ, nhóm và các cá nhân phụ trách xây dựng khung nội dung giáo dục, kế hoạch bài dạy với các mục tiêu, yêu cầu cần đạt đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Việc thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của học sinh và cha mẹ học sinh từ chương trình nhà trường cần tuân thủ các quy định về thu chi tài chính của Sở GD&ĐT.

Nguyễn Cảnh

.
.
.