Tình nguyện đến vùng xa, biên giới để “gieo chữ”

Thứ Sáu, 23/09/2022, 07:42

Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh đã có 25 giáo viên tình nguyện viết đơn đến các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi dạy học. Khi bài toán thiếu giáo viên đang diễn ra hết sức nan giải, thì đây là một tin rất vui cho ngành và cho địa phương.

Trường THPT A Túc, huyện miền núi Hướng Hóa là một trong những ngôi trường khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị. Trường có 3 khối lớp với hơn 450 học sinh, chủ yếu con em người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều trên tuyến biên giới Việt-Lào. Gần 3 tuần trôi qua, kể từ đầu năm học mới, thầy Lê Kiên Cường dạy môn Hóa đã dần quen với cuộc sống nơi đây.

day hoc.jpg -0
Thầy Võ Văn Tuấn tình nguyện lên dạy học ở xã biên giới A Túc.

“Trước khi tình nguyện lên đây, tôi dạy học ở Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong. Tôi cũng từng có 10 năm dạy học tại huyện miền núi Đakrông. Nhưng phải nói rằng, ở A Túc này còn khổ hơn rất nhiều”, thầy Cường chia sẻ. Vợ thầy Cường cũng là giáo viên, hiện chị đang học thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Huế. Đường đi về nhà của hai vợ chồng đều xa, nên để hy sinh cho những đứa trẻ miền núi còn quá nhiều cực khổ, họ chọn cách gửi các con nhỏ của mình đang học lớp 2 và lớp 8 cho ông bà ngoại chăm sóc.

Đợt này, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định tình nguyện lên dạy học xã biên giới A Túc còn có thầy Võ Văn Tuấn, giáo viên môn Vật lý. Đặc biệt, sau thời gian ngắn làm quen với học sinh, nhận thấy các em còn quá nhiều thiếu thốn, thầy Tuấn đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 2.000 cuốn vở, gần 500 chiếc bút viết, 26 máy tính cầm tay và nhiều phần quà cho các em. Dịp đầu năm học này, chúng tôi còn gặp thầy Nguyễn Dư Ngọ, giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã Quảng Trị tình nguyện lên dạy học ở Trường THPT Đakrông, huyện Đakrông. Thầy Lê Chí Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông rất cảm động khi biết năm nay thầy Ngọ đã 54 tuổi mà vẫn xung phong lên tăng cường cho trường miền núi. Nhờ được thầy Ngọ tăng cường, năm học này, nhà trường không còn tình cảnh thiếu giáo viên dạy Anh văn nữa; các em học sinh được học đầy đủ chương trình trên lớp…

Cô giáo Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, năm học 2022-2023 triển khai chương trình dạy học mới, ngành GD&ĐT đối mặt với tình trạng đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu; cơ cấu không đồng bộ. Có trường thừa giáo viên, có trường thiếu một số môn, đặc biệt là các địa bàn khó khăn. Để đảm bảo việc dạy học trước mắt, đơn vị đã làm việc với các trường để rà soát, sắp xếp, thống nhất phương án bố trí giáo viên. Rất may có những thầy, cô giáo tình nguyện như thầy Cường, thầy Tuấn, thầy Ngọ nên áp lực về tình hình trên được giảm đi rất nhiều.

Thanh Bình
.
.
.