Tích hợp, liên thông dữ liệu để xét tuyển đại học minh bạch, hiệu quả hơn

Thứ Sáu, 03/03/2023, 14:46

Ngày 3/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh đại học năm 2023. Hội nghị thu hút đông đảo sự tham gia của đại diện các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo trên cả nước.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã điểm qua một số kết quả đạt được trong công tác tuyển sinh đại học năm 2022, nhất là việc đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đăng ký, xét tuyển, tổ chức xét tuyển, thanh toán lệ phí và nhập học. Cùng với việc tạo điều kiện thí sinh đăng ký tất cả nguyện vọng của mình trong cùng một hệ thống để các em được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên cao nhất, tạo điều kiện cho các em có cơ hội lựa chọn được trường, được ngành theo mong muốn của mình.

Tích hợp, liên thông dữ liệu để quá trình xét tuyển đại học minh bạch, hiệu quả hơn -0
Đông đảo các đại biểu tham dự hội nghị.

Nhìn nhận thẳng thắn công tác tuyển sinh năm 2022 vẫn còn một số hạn chế, cần tiếp tục khắc phục, hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, về cơ bản, phương thức tuyển sinh năm 2023 tương đối ổn định, chỉ có những cải tiến về mặt kỹ thuật để đơn giản hóa cho thí sinh, để giảm thiểu các sai sót cho các thí sinh, tạo điều kiện cho các trường tham gia hệ thống chủ động hơn, có đầy đủ dữ liệu hơn để thuận tiện trong quá trình xét tuyển của mình.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành, nghiệm thu và vừa rồi tập huấn các trường đại học để sử dụng. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Và từng bước một để tất cả các cơ sở dữ liệu, nhiệm vụ khác sẽ phải tích hợp ở đây.

“Ngay trong năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Như vậy, toàn bộ quy trình tuyển sinh của chúng ta từ xác định chỉ tiêu cho đến việc đăng ký nhập học sau này sẽ liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là HEMIS”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

Tích hợp, liên thông dữ liệu để quá trình xét tuyển đại học minh bạch, hiệu quả hơn -0
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Để việc liên thông dữ liệu đảm bảo hiệu quả, góp phần tạo sự thuận tiện, minh bạch trong quá trình xét tuyển, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng lưu ý các Sở GD&ĐT hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh lớp 12, hoàn thiện về mã định danh, căn cước; các dữ liệu đảm bảo nhất quán, không có sai sót. Những điểm kết quả học tập như học bạ, cần cập nhật lên luôn, đầy đủ để các cơ sở đào tạo có cơ sở dữ liệu về học bạ để thực hiện việc xét tuyển của mình.

Các trường đại học tổ chức thi riêng, cũng như tổ chức thi năng khiếu cũng có thể làm việc với Bộ GD&ĐT mở Cổng để cập nhật dữ liệu này lên. Việc cập nhật dữ liệu lên đây sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi này, cũng như cho thí sinh. Khi đó, không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi khác trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, kỳ thi tốt nghiệp THPT để có thể tổ chức xét tuyển chung.

Đối với các trường tổ chức xét tuyển sớm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu không được phép công bố các em hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển cũng như không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định.

Thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 nhưng có một số lưu ý: Cơ sở đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hoá quy chế của Bộ GD&ĐT; điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Liên quan đến quá trình, phương thức xét tuyển, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đồng thời, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả. Bộ cũng yêu cầu các trường phải có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; công tác xử lý rủi ro phải được công bố trong đề án tuyển sinh.

Căn cứ kế hoạch tuyển sinh của Bộ, các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó, phải đảm bảo thống nhất với kế hoạch của Bộ và được công khai, minh bạch để xã hội, cơ quan quản lý giám sát, đảm bảo công bằng đối với tất cả các thí sinh tham gia dự tuyển.

H.Thanh
.
.
.