Thiếu giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên môn học tiếng Anh và Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, thay vì tự chọn như trước đây. Tuy nhiên, nhiều địa phương trên cả nước đều thiếu giáo viên (GV) các môn này. Mặc dù quyết định bổ sung biên chế giáo viên của Bộ Chính trị mới đây được xem là tín hiệu tích cực nhằm giải quyết tình trạng thiếu GV cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, nhiều địa phương dù đã đặt chỉ tiêu tuyển dụng song vẫn lo về nguồn tuyển, nhất là các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.
Loay hoay với bài toán bố trí giáo viên do thiếu nguồn tuyển
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, để thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo Chương trình GDPT mới cho lớp 3 năm học 2022-2023, cả nước cần thêm 5.322 GV, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 GV. Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 GV. Với môn Tin học, theo Bộ GD&ĐT, để đủ GV (tính tối thiểu 1 GV/trường) cần bổ sung khoảng 3.684 GV.
Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận, hiện nay tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học diễn ra ở nhiều địa phương; thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với cấp học THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022-2023.
Theo Sở GD&ĐT Yên Bái, toàn tỉnh đang thiếu 746 GV, tỷ lệ GV mới đạt 86,3% so với định mức quy định. Với các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ, nhu cầu GV đến năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh cần 434 GV để dạy Tin học từ lớp 3 đến lớp 9; so với số hiện có thì thiếu 285 GV. Với môn Tiếng Anh, toàn tỉnh thiếu 273 GV.
Tại Điện Biên, Hòa Bình, Cao Bằng… tình trạng thiếu GV một số môn như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình GDPT mới là phổ biến. Đơn cử như tại Điện Biên, thống kê toàn tỉnh hiện còn thiếu 203 GV các môn này nhưng vì thiếu nguồn tuyển nên địa phương này xác định, dù có chỉ tiêu cũng không tuyển dụng được. Tương tự, năm học 2022-2023, toàn tỉnh Quảng Nam thiếu hơn 2.500 GV nhưng chỉ có 1.640 hồ sơ đăng ký thi tuyển.
Theo ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, hiện đội ngũ giáo GV trên địa bàn còn thiếu nhiều và là một trong những địa phương thiếu nghiêm trọng nhất cả nước. Năm học 2021-2022, tỉnh Thanh Hóa đã thiếu 8.968 GV. Trong đó, bậc mầm non thiếu 4.174 người, tiểu học thiếu 3.380 người, THCS thiếu 1.096 người, và THPT thiếu 318 người. Một số môn học hiện nay thiếu giáo viên trầm trọng là Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh. Đến năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên ở Thanh Hóa còn trầm trọng hơn, lên tới 10.276 GV các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%).
Nguyên nhân khiến số giáo viên của tỉnh giảm dần qua các năm gần đây, theo ông Thức, là bởi chủ trương chỉ thực hiện việc tinh giảm chứ không cho bổ sung thêm biên chế, cùng với đó là một bộ phận giáo viên nghỉ hưu trong khi đó ở chương trình GDPT mới, có nhiều môn học mới yêu cầu dạy học bắt buộc từ lớp 3 như Tin học, Tiếng Anh nhưng không có nguồn tuyển.
Không chỉ tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, ngay tại TP Hồ Chí Minh cũng đang thiếu hàng nghìn chỉ tiêu GV ở các cấp học. Địa phương này cũng đã tổ chức thi tuyển GV với yêu cầu là ứng viên có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam, không yêu cầu hộ khẩu TP Hồ Chí Minh; có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện nay vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp để thu hút giáo viên Ngoại ngữ, Tin học và các môn Âm nhạc, Mỹ thuật dẫn tới chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của TP Hồ Chí Minh trong khi lực lượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018.
Cần có chiến lược đào tạo giáo viên cho chương trình mới
Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại việc thiếu giáo viên dạy các môn học mới trong chương trình GDPT mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai chương trình. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần có chiến lược dài hơi trong đào tạo đội ngũ giáo viên bởi đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy, nếu không có đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, việc triển khai chương trình GDPT mới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển cho rằng: Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nên một số môn học mới có tình trạng thiếu giáo viên.
Để “chữa cháy”, dựa trên chương trình khung của môn học và SGK, các địa phương có thể tạm thời mời các thầy cô giáo tại các trường khác dạy luân chuyển, đáp ứng đủ số lượng môn học, tiết học.
Mặt khác có thể tận dụng người có chuyên môn ở ngành văn hoá, nghệ thuật để hỗ trợ các nhà trường đối với các môn nghệ thuật. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành giáo dục cần có kế hoạch dài hơi hơn trong việc đào tạo giáo viên căn cứ vào nhu cầu thực tế tại các địa phương để đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng.