Thí sinh cần cân nhắc kỹ khi chọn ngành học mới

Thứ Ba, 14/03/2023, 07:09

Kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2023 sẽ xuất hiện thêm nhiều ngành học mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và mong muốn của người học. Tuy vậy, trước xu thế “nở rộ” các ngành học mới, các chuyên gia cũng khuyến cáo thí sinh cần cân nhắc kỹ để tránh rủi ro.

Năm 2023, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến mở hai ngành mới là Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

334021868_560357932823260_173258595193418835_n.jpeg -0
Cán bộ trường đại học tư vấn chon ngành nghề cho học sinh. Ảnh minh hoạ

Trường ĐH Thuỷ lợi cũng dự kiến sẽ mở mới 3 ngành gồm Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung và Luật Kinh tế. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh sẽ mở thêm hai ngành mới là: Quản lý tài nguyên và môi trường và Công nghệ vật lý điện tử và tin học.

Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ mở thêm các ngành như Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Marketing, Công nghệ logistics, Công nghệ Tài chính và Kinh doanh số. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tuyển sinh ngành học mới là y dược cổ truyền. Trường ĐH Kiên Giang năm nay cũng tuyển sinh hai ngành học mới là Kinh doanh quốc tế và Bảo vệ thực vật.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), năm 2023, ĐHQGHN sẽ mở thêm 4 ngành mới gồm: Cử nhân thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; Cử nhân văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường Đại học Ngoại ngữ; Kỹ sư công nghệ thực phẩm và sức khỏe, Kỹ sư kỹ thuật công nghệ cơ điện tử của Trường ĐH Việt Nhật. Cả 4 ngành mới mở này đều liên quan đến nghề nghiệp, khoa học công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu nhân lực sắp tới của thị trường lao động…

Mặc dù khẳng định sự xuất hiện các ngành học mới sẽ mở thêm cơ hội cho thí sinh, “đón” trước nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội song các chuyên gia cũng khuyến cáo thí sinh cần cân nhắc kỹ.

Lý do là hiện nay, một số ngành mới Việt Nam chưa đào tạo nên không có chuyên gia đầu ngành; không phải ngành nào cũng có doanh nghiệp phù hợp để sinh viên thực tập; số trường đủ điều kiện đảm bảo chất lượng mở ngành mới không nhiều.

Do vậy, khi đăng ký ngành học mới, thí sinh cần cân nhắc ngành đó đã mở được bao lâu; tìm hiểu đội ngũ giảng viên của ngành được công bố công khai trong đề án tuyển sinh; uy tín của cơ sở đào tạo cũng như dự báo về nhân lực trong thời gian tới.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng: Nhiều ngành học mới mở ra mà chất lượng đào tạo không “chất”  thì cũng dễ dư thừa và ra trường thất nghiệp, sẽ tốn kém tiền bạc của người người học. Do vậy, đi đôi với việc mở rộng các ngành nghề đào tạo để đáp ứng thị trường lao động thì các cơ sở giáo dục đại học phải đặc biệt chú ý đến chất lượng đào tạo.

Cũng theo PGS.TS Lê Hữu Lập, Thông tư 02/2020/TT-BGDĐT ngày 18/1/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự thủ tục mở ngành đào tạo trình độ đại học rất chặt chẽ. Tuy vậy, trên thực tế, ban đầu mở ngành mới các trường cũng gặp khó khăn, nhất là các trường không có sự liên thông ngành nghề giữa ngành mới các ngành cũ mà họ đã đào tạo.

Do vậy, khi “dấn thân”, thí sinh cũng cần cân nhắc việc chọn ngành mới của các trường này để tránh rủi ro. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc quản lý về đề án mở ngành đào tạo mới, lộ trình đảm bảo chất lượng đạo tạo thì công tác thanh tra, giám sát và hậu kiểm phải được tiến hành thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ.

Huyền Thanh
.
.
.