Thi đánh giá năng lực năm 2024: Thí sinh cần lưu ý gì?

Thứ Năm, 18/01/2024, 06:59

Ngày 18/1, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chính thức mở cổng đăng ký đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2024. Kỳ thi ĐGNL năm nay sẽ được ĐHQGHN tổ chức 6 đợt với khoảng 84.000 lượt thí sinh tham dự. Dự kiến sẽ có gần 100 trường đại học (ĐH) sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh. Một vấn đề hiện đang được nhiều thí sinh quan tâm trước kỳ thi là cần có chiến lược ôn tập và kỹ năng làm bài thi như thế nào để đạt điểm cao.

Lập tài khoản thi sớm để tránh sai sót

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐHQGHN cho biết: Năm 2024, ĐHQGHN sẽ tổ chức 6 đợt thi từ 23/3 đến 2/6 tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bài thi ĐGNL học sinh THPT làm trên máy tính, thời gian từ 195 - 199 phút gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học Tự nhiên-Xã hội (50 câu hỏi, 60 phút).

Lệ phí dự thi là 500 ngàn đồng/thí sinh/lượt thi. Thí sinh đăng ký thi tại http:/hsa.edu.vn/ và chọn địa điểm thi, ngày thi, ca thi. Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm. Hai lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Ca thi sẽ tự động đóng khi đã hết chỗ đăng ký.

Thi đánh giá năng lực năm 2024: Thí sinh cần lưu ý gì? -0
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Ảnh minh họa.

Thí sinh có nguyện vọng thi dự thi ĐGNL nên lập tài khoản thi sớm để tránh sai sót thông tin cá nhân (họ tên, ngày sinh, giới tính, số CCCD, ảnh chân dung, địa chỉ, điện thoại...). Thông tin cá nhân sẽ không thể chỉnh sửa (hoặc thay đổi) sau khi chọn ca thi.

Bất kỳ thông tin nào bị nhầm lẫn, sai sót đều làm chậm cấp Giấy chứng nhận kết quả thi từ 4-6 tuần, có thể không kịp xét tuyển ĐH bằng kết quả thi này. Do đó, thí sinh hãy lập tài khoản sớm ngay từ bây giờ, kiểm tra lại thông tin, chỉnh sửa, cập nhật nếu có sai sót trước khi chọn ca thi; không nhờ người khác lập tài khoản hộ. Tài khoản được duy trì hoạt động trong 24 tháng kể từ ngày đăng ký tài khoản.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, nếu như năm 2023, có gần 70 trường ĐH đã đăng ký sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQGHN để tuyển sinh thì năm nay có thêm một số trường ĐH khu vực phía Bắc tiếp tục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi. Đặc biệt, 17 trường ĐH của khối quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng cũng đã có văn bản chính thức đề nghị ĐHQGHN cho phép khai thác, sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển vào các trường này trong năm 2024. Như vậy, nếu tính sơ bộ, số trường ĐH sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQGHN để xét tuyển trong năm 2024 có thể lên đến gần 100 trường ĐH khu vực phía Bắc. Ngoài ra, một vài trường ĐH khu vực phía Nam cũng tiếp tục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi trong thời gian tới.

Cần tránh việc “ôn tủ”, học lệch

Chia sẻ thêm về kỹ năng làm bài thi và việc thí sinh có nên “ôn tủ” hay không, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Ngay từ đầu, ĐHQGHN đã chủ trương thiết kế kỳ thi ĐGNL hướng tới đánh giá đúng năng lực của thí sinh, không khu trú vào một khu vực, một vùng kiến thức giới hạn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THPT đều có những câu hỏi để kiểm tra, đánh giá. Do vậy, việc ôn luyện để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi là cần thiết. Tuy vậy, thí sinh cần xác định, “ôn luyện” và “ôn tủ” là hoàn toàn khác nhau. Nếu xác định sẽ “ôn tủ” một phần nào đó sẽ là thất bại đối với bài thi ĐGNL.

“Chúng tôi khuyến cáo thí sinh học một cách nghiêm túc trên lớp. Các em có thể ôn tập ở trên lớp, tự ôn ở nhà, ôn tập theo nhóm hoặc tham gia một lớp học nào đó - đây là quyền của thí sinh. Nhưng nếu xác định rằng mình chỉ “ôn tủ” một nhóm kiến thức sẽ thất bại. Ở kỳ thi ĐGNL, mỗi bạn thí sinh sẽ có một đề riêng biệt, độc lập. Do vậy, thí sinh có ôn cũng không bao giờ “trúng tủ” một đề nào đó. Kho đề thi ĐGNL tương đối lớn, phổ quát chương trình THPT, đủ rộng để cho thí sinh có những câu hỏi riêng biệt. Các em có thể nói rằng mình đã ôn đủ khi nắm kiến thức trong chương trình THPT tương đối vững chắc”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo lưu ý.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, trong năm 2023, ĐHQGHN đã khảo sát hơn 2.000 thí sinh tham dự kỳ thi ĐGNL. Kết quả bước đầu cho thấy, 63% thí sinh trả lời rằng tham dự kỳ thi với tâm thế tự ôn tập hoặc chỉ ôn tập trên lớp. Một lượng nhỏ thí sinh có tham gia các lớp luyện thi nhưng điểm cũng không cao. Đặc biệt, phần lớn thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi ĐGNL trong những năm qua đều chủ yếu tập trung ở khu vực 2 nông thôn và kết quả điểm thi giữa hai lần thi của thí sinh thường không có nhiều thay đổi. Từ dữ liệu trên, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN cho rằng, việc ôn tập là cần thiết. Việc thí sinh học tập một cách nghiêm túc, đầy đủ trên lớp sẽ giúp các em có đủ kiến thức và kỹ năng để dự thi.

“Việc đầu tiên các em cần xác định là sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển vào trường ĐH nào, tìm hiểu xem trường đó năm nay có sử dụng kết quả thi ĐGNL hay không. Khi đã biết mục tiêu của mình, cần tìm hiểu về bài thi ĐGNL từ cấu trúc, ma trận, định dạng bài thi, các thông tin liên quan. Bước tiếp theo là làm đề thi tham khảo. Qua vài lần thi tham khảo, thí sinh sẽ thấy mình hổng kiến thức ở đâu để có kế hoạch ôn tập hợp lý. Dù các em ôn tập trên lớp, ôn tập theo nhóm hay ôn tập theo các hình thức khác thì những bước này rất cần thiết để hoàn thiện hành trang một cách vững chắc trước khi bước vào kỳ thi. Bên cạnh đó, việc làm bài thi tham khảo cũng là một cách tốt nhất để thí sinh có thể biết được cách làm bài thi trên máy khác bài thi trên giấy thế nào để tự tin hơn khi làm bài thi chính thức” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.