Thận trọng để giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo không trở thành “giấy phép con”

Chủ Nhật, 28/01/2024, 09:03

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đa chiều về vấn đề này để đảm bảo giấy chứng nhận nghề nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và bối cảnh hiện tại, tránh tình trạng giấy chứng nhận nghề nghiệp có thể là “giấy phép con”, gây khó khăn cho nhà giáo.

Xét về mặt lý thuyết, mục đích của việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là nhằm đảm bảo giáo viên có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức để giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đa chiều về vấn đề này để đảm bảo giấy chứng nhận nghề nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và bối cảnh hiện tại, tránh tình trạng giấy chứng nhận nghề nghiệp có thể là “giấy phép con”, gây khó khăn cho nhà giáo.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chứng nhận nghề nghiệp đối với nhà giáo có thể được xem như một giải pháp nghề nghiệp phục vụ hai mục tiêu, vừa giúp giáo viên trở thành nghề được định danh rõ ràng hơn vừa nâng cao chất lượng giáo viên, tính cạnh tranh của giáo viên khi cung cấp dịch vụ giáo dục cho cộng đồng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải cập nhật liên tục kiến thức nghề nghiệp, giữ phẩm chất đạo đức. Đó là khuôn khổ để giáo viên tự ý thức để bảo vệ danh xưng nhà giáo, bảo vệ quyền lợi của chính mình. Tuy nhiên, dù là chủ trương đúng nhưng việc áp dụng thực tế, đặc biệt là tổ chức triển khai cần thận trọng.

4ec70d52-b3e1-4b6d-86e0-79b207a63490.jpeg -0
Việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo sẽ được Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ trước khi đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh minh họa

TS. Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục, Trường Đại học Thành Đô cũng cho rằng, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo dù về mặt lý thuyết có nhiều ưu điểm nhưng nếu triển khai “không cẩn thận” có thể trở thành một giấy phép tạo cản trở cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo, trong khi sau 4 năm đào tạo ở trường sư phạm, họ đã có đủ điều kiện để hành nghề. Nếu quy định về giấy chứng nhận này được ban hành, vận hành mà lại trở thành một rào cản kỹ thuật không cần thiết thì sẽ vô cùng đáng tiếc.

Theo phân tích của TS Phạm Hiệp, thực tế, theo các đánh giá của quốc tế, hệ thống đào tạo cử nhân sư phạm của Việt Nam “rất khác biệt” so với nhiều nơi trên thế giới. Ngành Giáo dục Việt Nam được quan tâm và có cả một hệ thống trường sư phạm, hệ thống đào tạo sư phạm trên khắp cả nước. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới không đào tạo cử nhân sư phạm. Đơn cử, ở nước Pháp, cử nhân tốt nghiệp một chuyên ngành, muốn trở thành giáo viên sẽ theo học một chương trình đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, sau đó đi kiến tập, thực tập trước khi chính thức trở thành giáo viên.

Khi đó, người này sẽ được cấp chứng nhận nghề nghiệp để trở thành nhà giáo. Từ cơ sở phân tích trên, chuyên gia này đề xuất, nếu giữ nguyên quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp thì nên đi theo hướng ai đã học sư phạm, tốt nghiệp ra trường sẽ có ngay giấy này; các nội dung kiểm tra, đánh giá nên tích hợp ngay trong các trường sư phạm. Còn với người không học chuyên ngành sư phạm, muốn trở thành nhà giáo cần phải trải qua một kỳ sát hạch mà ở đó họ được kiểm tra việc thực hành nghiệp vụ sư phạm, giảng dạy thử, kiến tập, đánh giá chuyên môn trong một khoảng thời gian. Sau đó, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp này để có thể hành nghề nhà giáo. Việc có một kỳ sát hạch để những người ngoài ngành sư phạm có thể trở thành giáo viên, được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp tạo sự bình đẳng giữa các nhóm lao động.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định vềchuẩn nghề nghiệpvà tiêu chuẩn chức danh giáo viên, giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế những cái này với các tiêu chí cụ thể. Giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo. Do đó khi chuẩn bị xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, Ban soạn thảo đã nêu vấn đề này lên để xã hội phản biện, góp ý. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức các hội thảo với nhiều nhóm đối tượng khác nhau và lắng nghe nhiều phía, đánh giá xem có đưa điều này vào luật hay không. Hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn đang trong quá trình lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo.

Huyền Thanh
.
.
.