Tạo bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp tại Thái Nguyên

Chủ Nhật, 17/04/2022, 09:43

Nhằm tạo sự phát triển đột phá cho giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 lao động qua đào tạo đạt 75%; quy mô tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp các cấp trình độ tăng 21% so với quy mô tuyển sinh năm 2021; thu hút từ 40 - 45% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%...

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc. Thái Nguyên thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tạo bước đột phá trong giáo dục  nghề nghiệp tại Thái Nguyên -0
Ảnh minh họa.

Tỉnh xây dựng, phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp được công nhận là trường chất lượng cao; sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dụng về loại hình, hình thức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp nhất là nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài...

Thái Nguyên dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2025 bố trí hơn 600 tỷ đồng cho công tác giáo dục nghề nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp hằng năm, nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác, nguồn thu từ học phí, thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hoạt động liên doanh, liên kết và vốn xã hội hóa.

Trong giai đoạn mới, tỉnh ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho người thuộc các đối tượng đặc thù như: Người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công, người dân tộc thiểu số; người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; lao động nông thôn; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội...

Hoàng Thảo Nguyên
.
.
.