Tăng số lần xét tốt nghiệp THCS: Quy định tạo thuận lợi hơn với người học
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư 31/2023/TTBGDĐT với nhiều điểm mới trong đánh giá, xét tốt nghiệp bậc THCS cho học sinh.
Theo đó, bằng tốt nghiệp THCS của người học từ năm học 2024-2025 sẽ không còn xếp loại giỏi, khá, trung bình như trước. Việc xét tốt nghiệp THCS trước đây chỉ có 1 lần thì nay được điều chỉnh tăng lên 2 lần. Nhiều ý kiến cho rằng, những điều chỉnh này là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018 và mang lại nhiều thuận lợi hơn cho học sinh.
Theo nhiều giáo viên, quy định mới tại Thông tư 31 có nhiều điểm tích cực, tác động đến từng đối tượng học sinh. Chẳng hạn như đối với nhóm học sinh có hướng tiếp tục học lên bậc THPT, việc bỏ quy định xếp loại trên bằng tốt nghiệp sẽ không tác động nhiều đến thái độ, tinh thần học tập của các em vì mục tiêu mà các em hướng tới là vượt qua kỳ thi vào lớp 10.
Còn đối với nhóm học sinh không xác định mục tiêu thi đỗ vào trường THPT mà chỉ xác định tốt nghiệp THCS để học nghề, tham gia vào thị trường lao động sớm thì việc bỏ xếp loại trong bằng cấp sẽ giảm áp lực rất lớn cho các em. Khi đó, học sinh sẽ học tập với tâm lý thoải mái chỉ để tốt nghiệp THCS.
Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, bằng tốt nghiệp THCS xếp loại giỏi, khá, trung bình sẽ phân loại năng lực học trò rõ nét hơn nhưng khi cào bằng năng lực tốt nghiệp, học sinh sẽ có tâm lý học tập thoải mái, ít có sức ép hơn. Điều này phù hợp với mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là không đặt nặng vấn đề điểm số mà chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất người học, ghi nhận nỗ lực và sự tiến bộ của học sinh. Và với phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT như hiện nay, việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của thầy, trò. Nếu như theo quy định hiện hành, việc cấp bằng tốt nghiệp THCS được thực hiện duy nhất 1 lần trong năm thì theo quy chế mới ban hành áp dụng từ năm học 2024-2025, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 2 lần trong năm. Trong đó, lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) trước khai giảng năm học mới.
Theo thầy Nguyễn Văn Thọ, giáo viên Trường THCS Lê Mao, TP Vinh (Nghệ An), việc điều chỉnh số lần xét tốt nghiệp là chủ trương phù hợp trong bối cảnh đây là năm cuối cùng học sinh lớp 9 thi theo chương trình GDPT cũ, ban hành năm 2006. Những em không đủ điều kiện tốt nghiệp trong năm nay nếu không được xét tiếp lần 2 sẽ khó khăn trong năm tới vì lứa học sinh năm sau đã học theo chương trình, sách giáo khoa mới ban hành năm 2018. Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục cũng đánh giá tăng số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS phù hợp, giáo viên, nhà trường sẽ vất vả hơn nhưng thuận lợi cho người học. Các em được tạo điều kiện bổ sung kiến thức, đánh giá lại để xét tốt nghiệp THCS lần 2 ngay trong năm mà không phải đăng ký ở các lớp bổ túc văn hóa như trước.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, lâu nay, vẫn có trường hợp học sinh “bị đúp” hay chưa đủ điều kiện để xét tốt nghiệp THCS dù tỉ lệ rất nhỏ. Những năm trước, quy định chỉ xét tốt nghiệp THCS một lần duy nhất khiến phụ huynh, học sinh áp lực. Với quy định mới, học sinh có thêm điều kiện, cơ hội để phấn đấu được đánh giá, xét tốt nghiệp lần 2 trong thời gian 3 tháng hè là rất thuận lợi.
Ngoài quy định không xếp loại tốt nghiệp, tăng số lần xét công nhận tốt nghiệp, Thông tư 31 còn có điểm mới đó là: Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp do trưởng phòng GD&ĐT ra quyết định thành lập theo đề nghị của cơ sở giáo dục. Mỗi cơ sở giáo dục có học sinh học hết lớp 9 trong năm xét công nhận tốt nghiệp thành lập 1 hội đồng.
Theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, điều này giúp cơ quan quản lý giáo dục địa phương, nhà trường chủ động, thuận lợi hơn trong việc triển khai đánh giá, cấp bằng tốt nghiệp THCS cho học sinh phù hợp với chương trình GDPT mới.