Tăng quy mô và tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học từ các kỳ thi riêng

Chủ Nhật, 29/01/2023, 08:30

Năm 2023, ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học (ĐH) còn sử dụng thêm nhiều phương thức khác để xét tuyển. Trong đó, uy tín của các kỳ thi riêng ngày càng được lan tỏa và đang trở thành xu hướng được nhiều trường ĐH lớn lựa chọn.

Dự kiến, trong năm 2023, sẽ có hàng trăm trường ĐH tiếp tục sử dụng kết quả của các kỳ thi này để tuyển sinh. Cùng với đó, chỉ tiêu của nhiều trường ĐH dành cho phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi riêng cũng được điều chỉnh tăng lên so với năm 2022.

6-1.jpg -0
Năm 2023, quy mô, cấu trúc của các kỳ thi riêng được điều chỉnh nhằm giúp các trường ĐH có thể tuyển được thí sinh phù hợp. Ảnh minh họa.

Tăng số lượng đợt thi, điều chỉnh cấu trúc đề thi

ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa phê duyệt Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2023. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí của ĐHQGHN, dự kiến năm 2023 sẽ tổ chức các đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6 với quy mô khoảng 100.000 lượt thi tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thí sinh cũng được đăng ký dự thi nhiều đợt trong năm nhưng thời gian cách nhau giữa 2 đợt thi tối thiểu 28 ngày (bao gồm cả các ngày thi). Khi đăng ký dự thi, thí sinh được quyền chọn đợt thi, điểm thi.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa thống nhất và quyết định năm 2023 tiếp tục phát triển kỳ thi ĐGNL cả về quy mô lẫn chất lượng. Cụ thể, ngoài 17 địa điểm thi tại các tỉnh, thành phố như năm 2022, kỳ thi sẽ được tổ chức thêm tại một số địa phương. Với việc mở rộng địa điểm thi, số lượng thí sinh dự thi sẽ tăng lên, đồng thời số trường đăng ký sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển dự kiến cũng sẽ tăng.

Bên cạnh đó, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2023 có một số điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Về cấu trúc đề thi, độ khó không thay đổi so với năm 2022 nhưng ngân hàng câu hỏi sẽ có sự bổ sung phù hợp hơn. Ngoài ra, năm nay thí sinh đăng ký dự thi sẽ dễ dàng hơn khi hệ thống đăng ký được đầu tư và nâng cấp, thí sinh dễ dàng thao tác, chuyển khoản trực tuyến.

Năm 2023, ĐH Bách khoa Hà Nội có kế hoạch tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy trong năm 2023 vào các tháng 5, 6 và 7, tăng 2 đợt so với năm 2022. Bên cạnh đó, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi theo hướng tiệm cận với các kỳ thi của quốc tế. Đề thi gồm 3 phần: Toán học, đọc hiểu, tư duy giải quyết vấn đề hoàn toàn bằng hình thức trắc nghiệm với tổng thời gian 150 phút, ngắn hơn gần một nửa so với cấu trúc cũ. Ngoài ra, thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như năm 2022, kỳ thi năm 2023 được tổ chức trên máy tính trong một buổi. Sau khi hoàn thành bài thi, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường ĐH nào sử dụng kết quả của kỳ thi.

Theo lãnh đạo ĐH Bách Khoa Hà Nội, việc điều chỉnh cấu trúc đề thi nhằm mở rộng khả năng sử dụng kết quả bài thi cho các trường thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y dược và quan trọng hơn là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm 2023, kỳ thi đánh giá tuyển sinh CAND sẽ tiếp tục được Bộ Công an tổ chức để các trường CAND sử dụng kết quả thi làm căn cứ xét tuyển. Dự kiến, việc tổ chức kỳ thi năm 2023 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, chỉ có một số điều chỉnh nhỏ về mặt kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và các trường trong quá trình tổ chức thi, xét tuyển và công bố kết quả.

Hàng trăm trường ĐH sử dụng kết quả các kỳ thi riêng để tuyển sinh

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2022, các trường ĐH dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi ĐGNL. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức. Một số trường ĐH cho biết, năm nay sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi ĐGNL.

Xuất phát từ mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, góp phần tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo, năm 2023, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thông báo dành ít nhất 45% chỉ tiêu tuyển sinh từ điểm thi ĐGNL, tăng so với mức 40% của năm 2022. Trước đó, trong năm 2022, kết quả của kỳ thi này đã được sử dụng như một phương thức xét tuyển vào 10 đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và hơn 70 trường ĐH, CĐ bên ngoài sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Theo thống kê của nhà trường, năm 2022, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tuyển khoảng 22.000 chỉ tiêu, gần 35,4% thí sinh nhập học bằng phương thức xét điểm thi ĐGNL.

Kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN năm 2023 cũng hướng tới phục vụ trên 100.000 lượt thí sinh. Năm 2023, dự kiến sẽ có trên 60 cơ sở đào tạo ĐH sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, từ dữ liệu thi ĐGNL năm 2022, ĐHQGHN đã nghiên cứu đề xuất công cụ chuyển đổi điểm bài thi ĐGNL giữa ĐHQGHN và ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Nếu thực hiện được điều này, các trường ĐH phía Bắc sẽ có thêm cơ hội thu hút thí sinh từ miền Nam ra học từ nguồn tuyển thí sinh dự thi ĐGNL của ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

Với sự lan tỏa ngày càng lớn của các kỳ thi riêng, trong năm 2023, sẽ có hàng trăm trường ĐH-CĐ cả nước sử dụng kết quả các kỳ thi này để tuyển sinh. Trong đó, riêng kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN và ĐHQG TPHCM đã có khoảng 140 trường ĐH,CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển. Bên cạnh đó, kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng dự kiến sẽ có khoảng trên 20 trường ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển; kỳ thi ĐGNL của ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ có 8 trường ĐH Sư phạm lớn trên toàn quốc sử dụng kết quả để xét tuyển; kết quả kỳ thi đánh giá tuyển sinh của Bộ Công an cũng tiếp tục được 7 trường CAND sử dụng để làm căn cứ xét tuyển ĐH năm 2023.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, theo Luật Giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, để hệ thống hoạt động ổn định, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định trong năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Huyền Thanh
.
.
.