Tăng học phí đại học, chất lượng đào tạo có tăng?

Thứ Hai, 23/05/2022, 09:06

Mặc dù việc điều chỉnh tăng học phí được các trường đại học (ĐH) thực hiện theo lộ trình, nhằm hướng tới một nền giáo dục ĐH có chất lượng cao nhưng dư luận vẫn băn khoăn về chất lượng đào tạo có tăng tương ứng? Đặc biệt, việc nhiều trường công lập tự chủ và chưa tự chủ tài chính đồng loạt tăng học phí cũng được dự báo sẽ thu hẹp cơ hội học tập của một bộ phận học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh có điều kiện kinh tế trung bình trên cả nước.

Đại học công lập đồng loạt tăng học phí

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, từ năm học 2022-2023, mức trần học phí các khối ngành: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); Nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); Kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật là 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); Y Dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng)...

Như vậy, so với năm học 2021-2022, mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ tăng từ 0,3-10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Trong đó, tăng nhiều nhất là khối ngành Y Dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2 - 10,2 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Nghị định 81 cũng quy định, cơ sở giáo dục đại học trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, lộ trình tăng học phí và dự kiến cho cả khóa học.

Tăng học phí đại học, chất lượng đào tạo có tăng? -0
Nhiều ý kiến cho rằng, các trường đại học cần minh bạch tài chính và chất lượng khi tăng học phí.(Ảnh minh họa)

Đến thời điểm này, trong đề án tuyển sinh năm học 2022-2023, nhiều trường đại học từ công lập chưa tự chủ, công lập tự chủ đều có điều chỉnh theo hướng tăng học phí. Theo thông báo của ĐH Y Hà Nội, mức học phí của một số chuyên ngành đào tạo sẽ tăng mạnh trong năm học 2022-2023.

Cụ thể, các ngành Răng-Hàm-Mặt và khối ngành Y Dược của trường gồm: Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng sẽ có mức học phí là 2,45 triệu/tháng; khối ngành Sức khỏe gồm: Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng sẽ có học phí là 1,85 triệu/tháng; ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 3,7 triệu/tháng. Như vậy, so với năm học trước, mức học phí của một số ngành tại ĐH Y Hà Nội đã tăng lên khoảng 71,3%.

ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng dự kiến tăng học phí hơn 12 triệu đồng so với năm ngoái. Trong đó, học phí chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc, Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh được thu theo quy định hiện hành. Với mức thu mới, học phí cả năm 2022 cao nhất khoảng 44,5 triệu đồng/sinh viên đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí 32 triệu đồng/năm/sinh viên của năm 2021, học phí của trường năm 2022 tăng khoảng 40%.

Mức học phí dự kiến trong năm học 2022-2023 của ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội là 42 triệu đồng/năm, năm học 2023-2024 là 44 triệu đồng/năm, năm học 2024-2025 là 46 triệu đồng/năm và năm học 2025-2026 lên 48 triệu đồng/năm. Tính riêng học phí năm học 2022-2023 khi so sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021, học phí của trường tăng thêm 24%.

ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí năm 2022-2023 của chương trình đào tạo chuẩn dao động trong khoảng 22-28 triệu đồng/năm, chương trình ELiTECH nằm trong mức 40-45 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin Việt - Pháp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học phí 50-60 triệu đồng/năm; chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế 45-50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế 55-65 triệu đồng/năm, chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) khoảng 80 triệu đồng/năm…

Cần các chính sách hỗ trợ đi kèm khi tăng học phí

Trước việc nhiều trường ĐH công lập sẽ tăng học phí ngay trong năm học 2022-2023, nhiều học sinh, phụ huynh có điều kiện kinh tế trung bình và khó khăn đã bày tỏ sự lo lắng khi cơ hội học tập sẽ bị thu hẹp. Thực tế cho thấy, để tăng cơ hội học ĐH cho học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn, từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ vay vốn để trang trải học tập đối với học sinh, sinh viên nghèo.

Đặc biệt, từ ngày 19/5, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên đã được điều chỉnh tăng từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, quy mô của chương trình này còn hạn chế vì nguồn vốn có hạn, đối tượng được thụ hưởng chỉ dừng ở học sinh, sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn đều tăng.

Một khảo sát do nhóm giảng viên Khoa Kế hoạch và phát triển, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội tiến hành trên 1.000 hộ dân ở 11 tỉnh, thành, cho thấy có tới 28% sinh viên đứng trước nguy cơ phải bỏ học khi học phí tăng. 50% số hộ gia đình được hỏi cho biết con của họ buộc phải đi làm thêm do học phí cao, nhóm hộ nghèo có tới 79% có con đi làm thêm khi học ĐH…

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn thu học phí là một trong những điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của giáo dục ĐH. Tuy nhiên, việc học phí cao quá khả năng chi trả của nhiều gia đình lại gạt đi cơ hội học ĐH của những học sinh không đủ khả năng tài chính. Thông thường, tổng định mức đào tạo cho một sinh viên thường được tính từ 3 nguồn: Chi phí hỗ trợ từ nhà nước và các nguồn tài trợ; học phí; vay tín dụng. Do đó, chiến lược phát triển hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam nếu chỉ dựa chủ yếu vào học phí của người học là không ổn. Vì vậy, bên cạnh những chính sách học phí, cần phải có các phương án tài chính khác bổ trợ để giảm thiểu tối đa sự bất công trong việc tiếp cận, thụ hưởng giáo dục ĐH do học phí gây ra.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng: Một chính sách tăng học phí rất cần có các chính sách khác đi kèm một cách đồng bộ để tăng chất lượng đào tạo, cải thiện cơ hội việc làm cho sinh viên, tăng vốn vay cho sinh viên theo học, tăng học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi. Đồng thời, nhà trường cần cơ cấu lại việc đầu tư, tích lũy có được nhờ tăng học phí và minh bạch thông tin tài chính và chất lượng. Trường ĐH công lập không nên chỉ chăm chăm vào thu học phí để trang trải cho mọi chi phí mà cần tăng thu và quản lý hiệu quả các nguồn thu từ cung cấp dịch vụ cho xã hội. Nhà nước cũng nên có chính sách đầu tư tài chính cho cả trường ĐH tư, vì suy cho cùng giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu của người học, của doanh nghiệp và của nhà nước. Những học phần nào thuộc chương trình vì lợi ích quốc gia thì nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ cho cả trường công và trường tư nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng học phí cho người học.

Huyền Thanh
.
.
.