Sốt ruột chờ “chốt” số lượng môn thi vào lớp 10

Thứ Tư, 13/12/2023, 07:41

Nhiều địa phương đã công bố phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 với 3 môn thi là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ giúp học sinh có kế hoạch ôn tập trong khi học sinh và phụ huynh Hà Nội vẫn hồi hộp ngóng chờ, không biết thi 3 hay 4 môn. Điều đáng nói là tình trạng chờ “chốt” số lượng môn thi này diễn ra suốt từ nhiều năm nay khiến cả phụ huynh lẫn học sinh đều căng thẳng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên “chốt” số lượng thi 3 môn theo xu hướng chung mà các địa phương đang lựa chọn và công bố sớm để tạo sự ổn định trong tuyển sinh, giảm áp lực không cần thiết trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vốn căng thẳng hơn thi đại học.

Từ năm 2019, Hà Nội tổ chức thi tuyển 4 môn để tuyển sinh lớp 10, gồm 3 môn “chốt” từ đầu là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; môn thứ 4 là một trong số các môn còn lại, được Sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm và công bố trong tháng 3. Mục đích tổ chức phương án này, theo ngành Giáo dục Thủ đô là nhằm bảo đảm để học sinh học đều tất cả các môn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đến hẹn lại lên, cứ bắt đầu vào mùa tuyển sinh lớp 10 là phụ huynh học sinh lại phản ứng, cho rằng việc thi môn thứ 4 gây áp lực không cần thiết cho học sinh.

Trên nhiều diễn đàn, phụ huynh có con thi vào lớp 10 đã đề nghị thành phố nên sớm công bố bài thi môn thứ 4 (nếu có) để học sinh và nhà trường có định hướng ôn luyện. Nếu bỏ được bài thi thứ 4 sẽ giảm áp lực cho các em rất nhiều. Quan trọng hơn, thi thêm môn thi thứ 4 không còn phù hợp khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai ở bậc giáo dục trung học từ năm học 2022 - 2023, cho phép học sinh được chọn môn theo định hướng nghề nghiệp và hiện phần lớn các địa phương trên cả nước đều đang có xu hướng chọn phương án thi 3 môn vào lớp 10.

Sốt ruột chờ “chốt” số lượng môn thi vào lớp 10 -0
Phụ huynh Hà Nội mong muốn thi 3 môn vào lớp 10 để giảm bớt áp lực không cần thiết chọ học sinh. Ảnh minh họa

Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, trong bối cảnh Bộ GD&ĐT vừa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ chỉ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn theo sở trường, nguyện vọng của thí sinh nên việc thi vào lớp 10 với 3 môn là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung.

“Học sinh lớp 9 năm nay là lứa học sinh cuối cùng bậc THCS thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 nên mặc dù các trường THCS vẫn tổ chức dạy học đều tất cả các môn và sẵn sàng cho cả phương án thi 4 môn nhưng đa số học sinh, phụ huynh và giáo viên mong muốn chỉ nên tổ chức 3 bài thi nhằm giảm áp lực. Việc thi 3 môn đã đủ điều kiện để phân loại thí sinh. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực đáng kể cho học sinh mà còn tiết kiệm ngân sách Nhà nước trong công tác tổ chức thi cũng như tiết kiệm chi phí của xã hội; giảm áp lực cho cán bộ, thầy cô làm công tác tổ chức kỳ thi”- hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội cũng cho rằng, thi vào lớp 10 tại Hà Nội từ năm học 2024-2025 với thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là phương án vừa phù hợp với tinh thần gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, vừa đảm bảo tính ổn định, vốn rất cần thiết trong công tác tuyển sinh. Mặt khác, phương án thi 3 môn cũng đáp ứng với nguyện vọng của xã hội, của đông đảo phụ huynh, học sinh khi năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã khảo sát lấy ý kiến về phương án thi và đa số đã chọn 3 môn. Còn theo tinh thần chung, thi vào 10 của các tỉnh thành trên cả nước cũng có nhiều thay đổi nhưng đều hướng đến gọn nhẹ, giảm căng thẳng và phần lớn các địa phương đã công bố phương án thi vào lớp 10 với 3 môn.

Ngoài ra, thi vào 10 là thi tuyển sinh, không phải thi tốt nghiệp THCS. Thời gian thi vào lớp 10 thường diễn ra vào đầu tháng 6, cũng là thời điểm học sinh đã hoàn thành chương trình và đã tốt nghiệp. Do vậy, để đáp ứng được tính toàn diện nên chọn giải pháp từ lúc học chứ không phải là kỳ thi tuyển sinh và việc lấy thi để học không còn phù hợp.

Thực tế cho thấy, việc học để thi dễ dẫn đến học gạo, học vẹt, học đối phó. Thay vào đó, cần hướng học sinh đến việc học thực chất: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để khẳng định mình.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh phương án tuyển sinh vào lớp 10 nhằm tuyển chọn được những học sinh giỏi, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn thành phố.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2025-2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018.

Hùng Quân
.
.
.