Siết chỉ tiêu tuyển sinh đại học đối với xét tuyển sớm học bạ

Chủ Nhật, 01/12/2024, 13:05

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học với nhiều điểm mới quan trọng như nâng chuẩn đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe, khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12, các phương thức xét tuyển phải quy về một thang điểm chung để xét tuyển công bằng. Nhiều ý kiến ủng hộ việc siết xét tuyển sớm đối với phương thức xét tuyển học bạ. Việc khống chế tỷ lệ chỉ tiêu chung đối với tất cả các phương thức xét tuyển sớm ở mức không vượt quá 20% đang là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Về xét tuyển sớm, dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20%; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Siết chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ -0
Bộ GD&ĐT sẽ chấn chỉnh việc xét tuyển sớm nhằm đảm bảo mục tiêu công bằng. Ảnh minh họa.

Lý giải về việc siết chặt hơn các phương thức xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc Bộ GD&ĐT đưa ra giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12. Khi việc xét tuyển sớm bị hạn chế, một số vấn đề bất cập khác cũng sẽ được khắc phục, như việc các trường phải dành quá nhiều thời gian và nguồn lực cho công việc xét tuyển sớm hay việc nhiều học sinh lớp 12 lơ là học tập khi đã biết kết quả trúng tuyển không chỉ ảnh hưởng tới kết quả học tập bản thân mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới việc dạy và học trong lớp, trong trường…

Mặc dù ủng hộ chủ trương chấn chỉnh việc xét tuyển sớm ở phương thức xét tuyển học bạ nhằm đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh song nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT khống chế chỉ tiêu chung ở mức 20% đối với tất cả các phương thức xét tuyển sớm sẽ ảnh hưởng đến cơ hội của học sinh cũng như sự tự chủ, chủ động của các trường, đặc biệt là các trường có thương hiệu, đang muốn giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chị Nguyễn Hồng Hà ở Thanh Xuân (Hà Nội), phụ huynh đang có con học lớp 12 cho biết: Hiện nay xét tuyển sớm không chỉ có xét học bạ mà các trường còn sử dụng nhiều phương thức khác như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, bài thi SAT, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hoặc các phương thức xét tuyển kết hợp. Đây đều là những kỳ thi đòi hỏi năng lực, sự nỗ lực, phấn đấu của học sinh rất cao. Nếu giảm tỷ lệ xét tuyển sớm về 20% chỉ tiêu thì vô hình trung làm giảm cơ hội của học sinh, sẽ đẩy điểm chuẩn ở các phương thức này lên mức cao.

Ví dụ, trước kia điểm IELTS 5.5 là đạt ngưỡng để kết hợp xét tuyển sớm rồi nhưng nếu siết chỉ tiêu thì các trường phải đẩy lên 6.5, thậm chí 7.5 trở lên mới đạt ngưỡng để kết hợp xét tuyển sớm. Trong khi đó, để đạt được 6.5 trở lên thì không dễ, đòi hỏi học sinh phải phấn đấu liên tục trong nhiều năm. Hay để đạt điểm cao trong các kỳ thi SAT, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thí sinh cũng phải nỗ lực rất cao. Do đó, thay vì khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm chung, Bộ GD&ĐT chỉ nên khống chế tỷ lệ xét tuyển sớm bằng học bạ để đảm bảo công bằng vì hình thức xét tuyển này hiện đang có nhiều bất cập.

Chia sẻ thêm với PV Báo CAND, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cũng cho rằng, việc Bộ GD&ĐT khống chế ở mức 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường đại học có thương hiệu. Thực tế những năm qua cho thấy, xu hướng chung các trường đại học có thương hiệu là không dùng kết quả học bạ trong 3 năm học THPT để xét tuyển. Lý do là kết quả học bạ không có chuẩn chung, mỗi trường THPT đánh giá khác nhau, việc làm “đẹp” học bạ không hiếm nên xét tuyển bằng học bạ sẽ không đảm bảo công bằng.

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học có thương hiệu cũng đang có xu hướng ngày càng giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT bởi đây là kỳ thi có mục tiêu xét tốt nghiệp là chính, không phải là cuộc thi nhằm lựa chọn nhân tài nên độ phân hóa dù thế nào cũng sẽ khó cao được. Vì những lý do trên, nhiều trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh nhiều, thương hiệu tốt đang có xu hướng dựa vào các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kết quả thi đánh giá chuẩn của quốc tế như SAT, ACT… là các cuộc thi cho mục đích chọn người giỏi, có năng lực vào đại học.

Trong khi đó, vấn đề bất cập nhất của xét tuyển sớm hiện nay chủ yếu nằm ở phương thức xét tuyển học bạ. Do đó, Bộ GD&ĐT chỉ nên khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm 20% đối với các trường dùng kết quả học bạ để xét tuyển. Còn việc xét theo kết quả thi THPT thì các trường cũng không được để thấp hơn 20% chẳng hạn để các thí sinh giỏi không có điều kiện thi đánh giá năng lực, tư duy và các kỳ thi chuẩn quốc tế bị đỡ bị thiệt thòi.

Cán bộ tuyển sinh của một số trường đại học tại Hà Nội cũng ủng hộ chủ trương siết chặt hơn việc xét tuyển sớm nhằm hạn chế tình trạng học sinh lơ là việc học tập khi trúng tuyển sớm và hướng tới việc đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh.

Huyền Thanh
.
.
.