Sĩ số học sinh không thể 60 em/lớp!

Thứ Sáu, 12/08/2022, 14:05

“Làm sao sĩ số học sinh không thể là 60 em/lớp được, phải đúng theo hướng dẫn của Bộ GD & ĐT. Nhiều nước dần dần tiến tới thực hiện dưới 20 học sinh/lớp, còn ở ta, tại các đô thị lớn có nơi 50 – 60 cháu/lớp, có nơi lớp không đủ, thiếu giáo viên học sinh không thể học 2 buổi/ngày. Đây là những thứ rất căn bản mà ngành Giáo dục phải làm tiếp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo nhiều trường đại học trên cả nước…

Thiếu nhiều giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2021-2022 là năm học đầy thử thách, ngành Giáo dục đứng trước nguy cơ khủng hoảng, trường học bị đóng cửa, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến trên diện rộng cả nước trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề. Nhưng với nỗ lực vượt bậc, với định hướng kiên trì mục tiêu chất lượng, với những cố gắng phi thường mà toàn thể các nhà giáo đã làm được trong năm qua, toàn ngành đã vượt qua được thử thách, ứng phó được với dịch bệnh và hoàn thành cơ bản các yêu cầu của năm học, tiếp tục thực hiện được các mục tiêu đổi mới theo kế hoạch.

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, Việt Nam có 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Năm học mới, sĩ số học sinh không thể là 60 em/lớp -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá của toàn ngành Giáo dục.
Năm 2021, 5 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín. Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số với hàng chục ngàn bài giảng điện tử; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19…

Tuy vậy, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài khiến cho kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.

Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trực tuyến. Bên cạnh đó, do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng không tốt, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy, học. Sau dịch COVID-19, nhiều cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa vì không duy trì được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả cho giáo viên.

Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; thiếu giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn…

Thí sinh đăng ký tới gần 100 nguyện vọng cho thấy phân luồng giáo dục chưa tốt

Tại hội nghị, các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp cho năm học mới. Sở GD & ĐT Lai Châu đề nghị Bộ GD & ĐT có một chương trình hỗ trợ thiết bị dạy học cho giáo viên dạy online, đồng thời hỗ trợ học sinh sau dịch COVID – 19 để huy động tối đa học sinh ra lớp. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho hay, để ứng phó với biến đổi khí hậu, Cà Mau phải xây trường cao hơn, do đó, địa phương này đề nghị được hỗ trợ trong việc xây dựng trường lớp. Địa phương này cũng đề xuất Bộ GD & ĐT chỉ đạo trường sư phạm hỗ trợ cho vùng khó trong bồi dưỡng giáo viên vì hiện giáo viên còn nhiều lúng túng khi triển khai chương trình mới, và Cà Mau cũng như một số địa phương còn thiếu nhiều giáo viên ở một số môn học.

Năm học mới, sĩ số học sinh không thể là 60 em/lớp -0
Hội nghị bàn các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới, thi đua sáng tạo trong toàn ngành Giáo dục.

“Sau dịch COVID-19, có hai đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là học sinh và công nhân, do đó sức khỏe học đường là vấn đề lớn cần được quan tâm đặc biệt. Tôi đề xuất phải sớm có chương trình tổng thể về sức khỏe học đường”, lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị.

Các trường đại học tại hội nghị cũng đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị Bộ GD & ĐT phải chọn “điểm nghẽn” còn tồn tại để giải quyết, ví dụ như: Với chương trình GDPT mới, cần phải quan tâm bồi dưỡng giáo viên để họ làm tốt nhiệm vụ; hay việc thực hiện Nghị định 116/CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm phải có sự phối hợp của nhiều đơn vị, nhiều tổ chức. GS Nguyễn Văn Minh còn đề xuất Bộ GD & ĐT quan tâm đến “tiếp cận bình đẳng trong giáo dục”, khi mà ngành giáo dục dù đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa “vực” được chất lượng giáo dục nhiều vùng. Đồng thời, Bộ và các địa phương phải phối hợp để thực hiện kiên cố hóa trường học, xây dựng nhà ở cho giáo viên…

GS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất phải gỡ những rào cản tự chủ trong việc thực hiện Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học. Hiện các trường đang gặp khó khăn trong “đặt hàng đào tạo giáo viên” theo Nghị định 116, do đó, Bộ cần quan tâm có hướng dẫn để thực hiện Nghị định 116 tốt nhất, bởi mỗi chính sách mới ban hành ảnh hưởng rất lớn tới giáo viên. Về xét tuyển đại học, theo GS Vũ Hải Quân, “có tình trạng 1 thí sinh đăng ký gần 100 nguyện vọng là không nên, vì vậy cần đẩy mạnh phân luồng từ giáo dục phổ thông”.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về văn hóa học đường, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện nhân cách học sinh vì phát triển toàn diện con người Việt Nam là mục tiêu lớn nhất, xuyên suốt của giáo dục cần được kiên trì tổ chức triển khai thực hiện. Ông Vinh còn đề xuất, các trường đại học cần đẩy mạnh phong trào hoạt động xã hội trong học sinh, sinh viên. Về tự chủ, Bộ GD & ĐT nên đề xuất Chính phủ những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Dạy và học phải thực chất

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực vượt bậc của toàn ngành Giáo dục. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta thông cảm với khó khăn của ngành Giáo dục, nhất là với một dân tộc hiếu học như dân tộc Việt Nam, yêu cầu về giáo dục rất cao, luôn được cả xã hội quan tâm, đây là điều may mắn, nhưng ngành Giáo dục vì thế cũng phải chịu áp lực. Phó Thủ tướng chỉ đạo, giáo dục là một quá trình liên tục nhưng tinh thần chung là bám sát Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Phải thực sự quyết liệt đổi mới quản lý giáo dục, làm sao Bộ GD & ĐT đúng là cơ quan quản lý Nhà nước. Đây phải là khâu đột phá. Từ đổi mới quản lý nhà nước, tiến tới đổi mới về quản trị, phải làm quyết liệt hơn trong trường phổ thông, đảm bảo dân chủ trường học, huy động được chính quyền, cộng đồng tham gia vào xây dựng văn hóa trường học thực sự.

Năm học mới, sĩ số học sinh không thể là 60 em/lớp -0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương phải đặc biệt quan tâm tới dân chủ trong trường học.

“Cách đây mấy năm, chúng ta đã nói rất nhiều về hiện tượng mất dân chủ trong các cơ sở giáo dục. Tôi đề nghị các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu một trường phổ thông muốn tuyển giáo viên, tiếng nói của tập thể giáo viên có tính quyết định hơn tiếng nói của chủ tịch quận, của hiệu trưởng, thì lúc đấy mới là dân chủ. Còn khi tiếng nói của giáo viên không có tính quyết định thì chưa phải dân chủ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới thừa, thiếu cục bộ giáo viên”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn giáo dục phải thực chất. Tới đây, ngành Giáo dục sẽ thực hiện một số chuyên đề được đề cập trong Nghị quyết 29, tiến tới tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết. “Thực hiện làm sao phải đạt kết quả thực chất trong dạy và học, phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Tôi lưu ý yếu tố “mỹ” nếu muốn học sinh phát triển toàn diện vì một tâm hồn đẹp chắc chắn sẽ hướng thiện hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Năm học mới, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD & ĐT phải rà soát, chủ động đề xuất  cơ chế về học phí, về thực hiện “tự chủ” nhằm có một tỉ lệ các trường thích hợp ở những vị trí, địa bàn thích hợp để có thể lo được lương cho giáo viên, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, lấy biên chế đó cho các vùng nông thôn, làm sao đủ giáo viên gắn với trường lớp để học sinh học ngày 2 buổi thuận lợi.

“Làm sao sĩ số học sinh không thể là 60 em/lớp được, phải đúng theo hướng dẫn của Bộ GD & ĐT. Nhiều nước dần dần tiến tới thực hiện dưới 20 học sinh/lớp, còn ở ta, tại các đô thị lớn có nơi 50 – 60 cháu/lớp, có nơi lớp không đủ, thiếu giáo viên học sinh không thể học 2 buổi/ngày. Đây là những thứ rất căn bản mà ngành Giáo dục phải làm tiếp”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Thu Phương - Huyền Thanh
.
.
.