Quy chế tuyển sinh đại học cần công bố sớm và tránh rắc rối
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 rất thành công khi tỉ lệ thí sinh ảo giảm hẳn, thí sinh cũng được bảo đảm quyền lựa chọn trường, chọn ngành và cơ hội trúng tuyển lớn nhất. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, ở góc độ kỹ thuật và triển khai thực tế, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm và hoàn thiện.
Tại buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Nhìn lại kỳ tuyển sinh đại học năm 2022" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 11/10, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: Kỳ tuyển sinh 2022 trên thực tế thay đổi khá nhiều so với các kỳ tuyển sinh trước khi mà quy chế tuyển sinh 2022 thay đổi ở cả 3 khâu quan trọng: đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống tuyển sinh, xét tuyển lọc ảo chung tất cả các phương thức và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh.
Tuy vậy, quy chế tuyển sinh lại được Bộ GD&ĐT ban hành khá muộn khiến các trường đại học và thí sinh không khỏi lúng túng. Chính Bộ GD&ĐT sau đó cũng đã phải nhiều lần điều chỉnh các mốc thời gian đã công bố trước đó để thí sinh kịp đăng ký xét tuyển, đóng lệ phí xét tuyển cũng như thực hiện một số quy định thủ tục khác.
Cũng theo ông Nghĩa, một trong các mục tiêu chính của việc điều chỉnh tuyển sinh là để lọc ảo tất cả các phương thức, nhưng với gần 570.000 thí sinh đã được xét trúng tuyển chỉ có 467.000 thí sinh xác nhận nhận học trên hệ thống thì tỉ lệ ảo vẫn còn khá cao, đó là chưa kể nếu tính trên con số thí sinh nhập học thực tế tại trường thì có lẽ tỉ lệ ảo sẽ còn cao hơn. Hệ quả là rất nhiều trường đại học vẫn phải xét tuyển bổ sung, thậm chí phải công bố xét tuyển bổ sung ngay sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1.
Rút kinh nghiệm từ mùa tuyển sinh năm 2022, TS. Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị Bộ GD&ĐT cần sớm công bố quy chế tuyển sinh 2023, đặc biệt là những quy định liên quan đến triển khai quy chế, để các trường có thể điều chỉnh các quy định tuyển sinh cho phù hợp. Các quy định tuyển sinh cần đơn giản hoá, không quá rắc rối phức tạp.
TS. Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng ủng hộ việc cần có dữ liệu chung quốc gia trong xét tuyển đại học để tạo thuận lợi cho các trường đại học và thí sinh. Tuy vậy, ông Nhân cho rằng, phía các trường đại học mong muốn có quy chế ổn định để trường không bị động và thí sinh cũng không bất ngờ. Việc đăng ký xét tuyển được thực hiện ngay khi các em còn trên ghế nhà trường để được giáo viên hỗ trợ. Việc dự kiến ảo như thế nào là việc các trường phải lo nên các trường cần quy chế tuyển sinh ổn định. Những thay đổi cần được công bố sớm để các trường đại học và học sinh được biết.