Quá tải trường học, nỗi lo cũ trong năm học mới: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp (Bài cuối)

Thứ Tư, 21/09/2022, 05:59

Thực tế cho thấy, tại các thành phố lớn như Hà Nội, tốc độ tăng dân số cơ học đã và đang gây sức ép lớn cho hệ thống trường công lập. Theo số liệu của UBND TP Hà Nội, tổng số trường công lập của thành phố đến hết năm 2021 là 2.237 trường, dự kiến đến năm 2025, thành phố đặt mục tiêu có khoảng 2.400 trường.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, với quy mô tăng dân số hiện nay, nếu không có các giải pháp tổng thể, mang tính liên ngành, cùng với đó là cơ chế khuyến khích đầu tư vào không gian công cộng và trường học thì bài toán quá tải trường lớp vẫn sẽ tiếp tục tái diễn, nhất là tại các khu đô thị mới, khu vực tập trung nhiều chung cư cao tầng.

Tốc độ xây trường chưa “theo kịp” với tốc độ gia tăng dân số

Nếu như trước đây, nhiều người vẫn nghĩ rằng, “thủ phạm” chính dẫn đến việc quá tải sĩ số là do học sinh trái tuyến, hệ quả của việc nhiều phụ huynh muốn cho con vào trường điểm, trường chất lượng bằng mọi giá. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây không như vậy. Quan điểm của nhiều phụ huynh đã thay đổi, vấn đề chọn trường ở bậc tiểu học đã không còn quá nặng nề.

hoc hanh.jpg -0
Để tránh quá tải, việc quy hoạch trường lớp cần phải theo kịp với quy mô và tốc độ tăng dân số. Ảnh minh hoạ

Thay vì vào trường điểm, nhiều phụ huynh chọn cho con học trường ở gần nhà, trường có cơ sở vật chất tốt để thuận tiện trong việc đưa đón. Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh, hằng năm UBND các quận, huyện trong TP Hà Nội đều đã nỗ lực xây mới, sửa chữa, cơi nới thêm hàng trăm phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh đầu cấp do tốc độ xây trường không theo kịp với tốc độ tăng dân số.

Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, tình trạng quá tải sĩ số vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sĩ số học sinh trung bình bậc tiểu học trên địa bàn quận là 49,7/lớp, bậc THCS trung bình là 42,7 em/lớp. Số lượng học sinh đông, sĩ số học sinh/lớp cao, quận khó nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó tiểu học là bậc có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất, chỉ 55%. Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, vấn đề tăng sĩ số trong lớp hiện nay chủ yếu là do tình trạng dân số ở các địa bàn tăng đột biến. Chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều, trong khi các trường chịu áp lực bắt buộc phải nhận hết học sinh có hộ khẩu trên địa bàn dẫn đến quá tải. Để giảm tải cho các trường, trong năm học 2022-2023, quận Thanh Xuân đang tập trung hoàn thành xây mới 1 trường mầm non; xây dựng bổ sung 57 phòng học. Ngoài ra, quận đã phê duyệt các dự án đầu tư công giai đoạn 2022-2025 cho 15 trường học với tổng kinh phí khoảng 450 tỷ đồng. Việc rà soát, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học; công tác quản lý chặt chẽ các ô đất đã được quy hoạch cho giáo dục cũng được tăng cường.

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, để tháo gỡ, khắc phục tình trạng quá tải trường lớp, Hà Nội cần nghiêm túc, quyết liệt trong xây dựng và thực hiện quy hoạch. Trong đó, đối với các khu đô thị mới, khu công nghiệp bắt buộc phải có quỹ đất để xây trường; tránh tình trạng như hiện nay là nhiều khu đô thị, khu công nghiệp “quên” xây trường học. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi đối với hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc tiếp cận với quỹ đất, mặt bằng để các cơ sở này có thể “chia lửa” với giáo dục công lập trong việc tiếp nhận học sinh, góp phần hạn chế tình trạng quá tải trường lớp, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.

Từ phía cơ quan giám sát xã hội, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội cũng đã kiến nghị UBND thành phố, khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành. Theo đó, các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, UBND thành phố cần thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Các sở, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất với UBND thành phố phương án xử lý đối với công trình hạ tầng xã hội không triển khai hoặc chậm tiến độ nhằm bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng.

Cần cơ chế khuyến khích đầu tư vào không gian công cộng và trường học

Để khắc phục tình trạng quá tải trường lớp, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT và Bộ Xây dựng nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao. Ngoài ra, cũng cần ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường công lập trong khu vực nội thành khi di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học - cao đẳng, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi khu vực nội đô.

Đồng tình với các giải pháp này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quy định hiện nay một học sinh cấp tiểu học, trung học tính theo dân số, nhưng phải đảm bảo 15m2/học sinh diện tích trường học. Chúng ta nên chăng điều chỉnh chỉ số này. Bên cạnh đó, chẳng hạn như quy định hiện nay đối với trường tiểu học không được quá 4 tầng. Chúng ta có thể xây 5 tầng, nhưng tầng 5 không phải để học mà để sử dụng vào làm văn phòng và các công trình phục vụ sẽ hợp lý hơn… “Cùng với đó cần nhiều giải pháp lớn nữa như Hội đồng nhân dân thành phố đã có chính sách khuyến khích đầu tư vào không gian công cộng và trường học. Định hướng thì hợp lý nhưng chính sách ưu đãi như thế nào thì lại còn những tồn tại cho nên không hấp dẫn được các doanh nghiệp đầu tư vào trường học. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu. Bên cạnh đó, dân số Hà Nội 2020 theo quy hoạch là 7,9 triệu người nhưng thực tế đã là 8,2 triệu người. Vượt hơn 300 nghìn so với quy hoạch, bằng với tiêu chuẩn của một quận. Qua nghiên cứu cho thấy, tăng dân số này chủ yếu là tăng dân số cơ học. Việc tăng dân số cơ học này có mối quan hệ với các vùng xung quanh. Hà Nội là trung tâm, đầu tàu kinh tế nhưng mối liên kết giữa Hà Nội và các vùng xung quanh về các mặt kinh tế - xã hội chưa đạt được như mong muốn để phân bố hợp lý. Nếu chúng ta giải quyết tốt mối quan hệ vùng thì việc tăng dân số cơ học sẽ kiểm soát được, từ đó sẽ bớt áp lực cho Hà Nội về nhiều vấn đề trong đó có trường học. Đây là vấn đề cần phải đặt ra trong sửa đổi Luật Thủ đô”, ông Đào Ngọc Nghiêm phân tích.  

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giải pháp hiện nay là phải rà soát phải rà soát thậm chí tính toán kỹ lưỡng sao cho quy hoạch các đô thị mới, chung cư có số tầng, mật độ dân cư phù hợp, hạ tầng không chỉ là đường sá, điện, nước mà còn là cả vấn đề môi trường, xã hội, trường học chuẩn để ra một quy hoạch chi tiết cố định cho Hà Nội. “Chúng ta có thể thấy, trục đường Lê Văn Lương nhồi nhét chung cư thế nào. Hay như Khu đô thị Linh Đàm, quy hoạch ban đầu mật độ xây dựng rất thấp, được thiết kế là khu đô thị kiểu mẫu nhưng bây giờ hàng loạt chung cư 40 tầng mọc lên ở đó, đảo lộn hết tất cả. Thiếu trường là do cứ có đất trống là "trồng" nhà chung cư lên đó, thậm chí không đủ điều kiện về môi trường, hạ tầng vẫn cứ xây làm cho những khu đó trở nên rất chật chội về mặt quy hoạch. Sức tải của không gian bị quá, không tải nổi với khối lượng người lớn như vậy. Do đó, chúng ta cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng lại quy hoạch. Đồng thời quy hoạch đó phải mở, công khai hoàn toàn để người dân biết, hiểu và tham gia giám sát. Đây là điều kiện quan trọng vì không có cơ quan nhà nước nào có thể kiểm tra hết được mà chỉ khi có sự tham gia giám sát của người dân thì mới thấy chỗ nào sai, trái hay không đúng”, GS Đặng Hùng Võ cho hay.

Huyền Thanh- Phan Hoạt
.
.
.