Nỗi lo phổ điểm môn Tiếng Anh “bét bảng”

Thứ Tư, 19/07/2023, 06:15

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Tiếng Anh là môn có phổ điểm trung bình thấp nhất với 5.45 điểm. Điểm số có nhiều nhất ở môn thi này là 4.2.

Việc mặt bằng điểm thi môn Tiếng Anh thấp, nằm “bét bảng” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua cho thấy sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ giữa các thí sinh khu vực nông thôn và thành thị, giữa các nhóm thí sinh học tiếng Anh để xét tuyển đại học và nhóm chỉ cần đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện điểm số môn học này, cần phải có thời gian cùng với một chiến lược nâng cao chất lượng dạy và học mang tầm quốc gia.

2bc0b195-6bad-44c5-854d-8ac726aa445c.jpeg -0
Cần có giải pháp nhằm giảm thiểu sự chênh lệch giữa việc dạy và học tiếng Anh giữa các vùng miền. Ảnh minh hoạ.

Ngày 18/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố điểm và phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2023. Nhìn chung, phổ điểm các môn thi năm nay tương đối đồng đều, trong đó các môn Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đều có điểm trung bình từ 6.0 trở lên.

Riêng môn Tiếng Anh có phổ điểm thấp nhất, điểm trung bình là 5.45 điểm, điểm trung vị là 5.2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.2 điểm và đây cũng là môn thi có số thí sinh đạt điểm liệt nhiều nhất với 192 bài thi. Tuy nhiên, nếu so sánh với phổ điểm môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thì phổ điểm năm nay cũng đã có những cải thiện đáng kể.

Cụ thể, điểm trung bình môn Tiếng Anh năm 2022 là 5.15 điểm, điểm trung vị là 4.8 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3.8 điểm và số thí sinh bị điểm liệt là 423. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh đạt điểm giỏi môn Tiếng Anh năm 2023 cũng đã tăng lên 15,03% so với 11,9% của năm 2022.

Nhiều giáo viên cho rằng, nhìn vào phổ điểm môn Tiếng Anh cho thấy đây là môn học thể hiện sự chênh lệch rõ nét nhất giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng như giữa thí sinh sử dụng Tiếng Anh để xét tuyển đại học và chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên môn Tiếng Anh tại Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) cho rằng, không nên so sánh điểm thi môn Tiếng Anh với các môn học khác bởi Tiếng Anh là môn học đặc thù với một số đặc điểm riêng như có sự khác biệt lớn giữa việc học và thi.

Hiện việc dạy và học Tiếng Anh đang hướng theo phát triển và đánh giá năng lực, tăng cường kỹ năng nói - viết, khuyến khích giao tiếp. Trong khi đó, việc thi hiện nay mới giới hạn ở mức kiểm tra từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế xã hội tại nhiều khu vực của đất nước còn hạn chế; nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của Tiếng Anh cũng như điều kiện kinh tế của các gia đình, các địa phương cũng chưa thực sự có sự đồng đều. Ngoài ra, nhiều học sinh ở nông thôn, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn chưa được tiếp cận Tiếng Anh từ sớm mà chỉ bắt đầu học bài bản khi lên cấp 2 thậm chí cấp 3 nên dẫn đến chất lượng môn học này còn hạn chế.

Cũng theo cô Hằng, Tiếng Anh là môn học đường dài, cần có đầu tư và việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ không phải lập tức có hiệu quả ngay được. Do đó, để cải thiện chất lượng môn học này, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía như chính học sinh, gia đình, nhà trường, địa phương và một chiến lược dạy và học ngoại ngữ mang tầm quốc gia.

TS Vũ Phương Anh, chuyên gia giáo dục cũng nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, ngoại ngữ là chìa khóa để hội nhập và thăng tiến, ngay cả với những người nghèo cũng cần có cơ hội để tiếp cận bình đẳng ngoại ngữ trong giáo dục. Tuy nhiên, lâu nay ở khu vực nông thôn và các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đầu tư cho việc học ngoại ngữ vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc dạy và học ngoại ngữ hiện vẫn theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”, nơi nào cần thì học, vai trò điều tiết của cơ quan nhà nước chưa thực sự mạnh mẽ. Cũng theo TS Vũ Phương Anh, nếu coi việc rút ngắn khoảng cách về năng lực ngoại ngữ của học sinh giữa các vùng miền là mục tiêu quan trọng thì cần những chính sách mang tầm quốc gia, có đầu tư trọng điểm và sự vào cuộc không chỉ của ngành giáo dục mà của cả chính quyền địa phương.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nêu quan điểm: Từ kết quả phổ điểm thi môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho thấy, cần đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đưa ra chính sách nhằm cải thiện thế nào cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá cũng như đầu tư về ngoại ngữ cho các vùng miền khác nhau.

Đồng quan điểm này, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cũng đề xuất: Về phổ điểm môn Tiếng Anh, Bộ GD&ĐT nên phân tích đến từng vùng, từng trường học để xem như thế nào. Trên cơ sở đó mới có một kết luận và các đề xuất chính xác các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong thời gian tới.

Môn Giáo dục công dân “áp đảo” về số bài thi đạt điểm 10

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Giáo dục công dân là môn có phổ điểm trung bình cao nhất. Cả nước có 565.452 thí sinh tham gia thi bài thi Giáo dục công dân, trong đó điểm trung bình là 8.29 điểm, điểm trung vị là 8.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9.0 điểm.

Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 5.492, chiếm tỷ lệ 0.97%; số thí sinh bị điểm liệt là 26. Đặc biệt, cả nước có khoảng 16.427 điểm 10 thì môn Giáo dục công dân có số điểm 10 "áp đảo", lên đến 14.693 điểm 10, chiếm khoảng hơn 80% số điểm 10 của tất cả các môn thi. Tương tự, phổ điểm môn Lịch sử cũng đã có cải thiện đáng kể.

Theo kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2023, cả nước có 683.447 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6.03 điểm, điểm trung vị là 6.0 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 5.75 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 170.237, chiếm tỷ lệ 24,91%; số thí sinh bị điểm liệt là 38 em, giảm mạnh so với 83 điểm liệt của năm 2022 và 540 điểm liệt của năm 2021.

Huyền Thanh

.
.