“Nở rộ” các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài

Thứ Năm, 03/11/2022, 05:54

Sự “nở rộ” của các chương trình liên kết một mặt tạo thêm nhiều lựa chọn và cơ hội cho người học song đồng thời cũng có thể gây ra những rủi ro trong bối cảnh chất lượng, uy tín của các chương trình liên kết chưa thật sự đồng đều...

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), tính đến hết năm 2021, cả nước có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Sự “nở rộ” của các chương trình liên kết một mặt tạo thêm nhiều lựa chọn và cơ hội cho người học song đồng thời cũng có thể gây ra những rủi ro trong bối cảnh chất lượng, uy tín của các chương trình liên kết chưa thật sự đồng đều.

Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường giám sát, các trường đại học phải không ngừng nâng cao chất lượng chương trình liên kết để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người học.

u7.jpeg -0
Sự phát triển nhanh về số lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang đặt ra yêu cầu cần kiểm soát kỹ về chất lượng. (Ảnh minh hoạ)

Học tập trong nước nhận bằng quốc tế cùng với một số lợi ích đi kèm đã và đang trở thành mô hình học tập được ưa chuộng và thu hút đông đảo sinh viên theo học, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các chương trình du học tại chỗ thường được “nhập khẩu” hoàn toàn về Việt Nam từ giáo trình, giảng viên, cách kiểm tra đến phương pháp dạy và học đều được thực hiện theo chuẩn mực của chương trình ở nước ngoài.

Đặc biệt, bằng cấp của những chương trình chuẩn quốc tế đều được cấp bởi quốc gia liên kết, được công nhận rộng rãi. Ngoài lý do phụ huynh không muốn con em phải sống xa gia đình nhưng vẫn có cơ hội được phát triển trong môi trường quốc tế thì chi phí học tập cũng chính là một trong những điểm cộng của chương trình liên kết quốc tế.

Thực tế cho thấy, chi phí học tập cũng như sinh hoạt của sinh viên theo học chương trình liên kết quốc tế thường tiết kiệm được rất nhiều so với việc du học tự túc. Đây được xem là một mức đầu tư lý tưởng, phù hợp với nhiều gia đình tại Việt Nam không có đủ điều kiện cho con em du học và sinh sống tại nước ngoài, mở ra cơ hội lớn cho các trường đại học lẫn người học.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 400 chương trình liên kết với nước ngoài đang hoạt động. Trong số này, các quốc gia có chương trình liên kết đào tạo nhiều nhất là Anh với hơn 100 chương trình, tiếp đến là Mỹ, Pháp với khoảng hơn 50 chương trình, Australia và Hàn Quốc với khoảng 30 chương trình…

Hiện các chương trình liên kết đều khá đa dạng về ngành nghề và phương thức tuyển sinh. Tuy vậy, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, trong khi nhà trường phải không ngừng đẩy mạnh chất lượng thì người học cũng phải sáng suốt, cẩn trọng để có được lựa chọn được chương trình thực sự chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như năng lực của bản thân trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” của các chương trình liên kết.

Theo khuyến cáo của TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, trước khi quyết định đăng ký học một chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, phụ huynh, học sinh phải xác định tấm bằng được cấp sẽ gắn với mình cả cuộc đời.

Do đó, cần dựa trên yếu tố về năng lực, khả năng ngoại ngữ, điều kiện kinh tế để lựa chọn, không nên vì quá “sính ngoại” mà “nhắm mắt chọn bừa” dẫn đến việc có thể lãng phí cả tiền bạc, thời gian và cơ hội. Cũng theo lưu ý của TS Hoàng Ngọc Vinh, đầu tiên, học sinh cần lưu ý tham khảo kỹ tiêu chuẩn đầu vào của những chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Nếu yêu cầu đầu vào quá thấp nên cẩn trọng. Tiếp đó, nghiên cứu xem cơ sở đào tạo của nước sở tại có thứ hạng, uy tín thế nào, chương trình đã được kiểm định và có được quốc tế công nhận rộng rãi hay không? Sau khi cảm thấy thoả mãn với các yêu cầu kiểm soát chất lượng, đến bước thứ ba là cân nhắc, tính toán xem chi phí học tập có thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

Từ góc độ quản lý, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Để người học được thụ hưởng những chương trình liên kết đào tạo quốc tế có chất lượng tốt nhất, cần có sự chung sức của nhiều bên liên quan. Trong đó, ba bên quan trọng nhất là: Cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và người học.

Với cơ quan quản lý nhà nước, cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể, nhất là trách nhiệm của những người tham gia vào quá trình liên kết đào tạo quốc tế; đặc biệt là trường đại học ở Việt Nam, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin đến người học về chương trình đào tạo, để xã hội và người học giám sát, cùng tham gia phát triển, xây dựng văn hóa chất lượng ngày càng tốt hơn.

Về phía cơ sở giáo dục đại học, cần thực hiện công khai, minh bạch chương trình đào tạo, từ các điều kiện bảo đảm chất lượng như thế nào, điều kiện tuyển sinh, tốt nghiệp rồi học phí và năng lực của đối tác. Trong đó, ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật, cơ sở giáo dục cũng nên lựa chọn cơ sở liên kết đào tạo với đối tác uy tín, có thứ hạng cao ở các nước tiên tiến với các chương trình cụ thể đã được kiểm định.

Còn về phía người học và phụ huynh, cần thông minh, tỉnh táo khi lựa chọn. Nghĩa là, người học nghiên cứu đầy đủ về quy định của pháp luật để có hiểu biết về các chương trình đào tạo hiện đang được cung cấp; đồng thời yêu cầu cơ sở đào tạo phải công khai, minh bạch thông tin với quan điểm người học hoàn toàn có quyền giám sát việc thực hiện tại đơn vị mình theo học.

Huyền Thanh
.
.
.