Nỗ lực hóa giải mối lo trẻ đi học trở lại khi F0 tăng

Thứ Năm, 17/02/2022, 09:00

UBND thành phố Hà Nội vừa “chốt” cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 các quận nội thành đi học trở lại từ 21/2. Sau 9 tháng học online, việc được đi học trở lại là khao khát của học sinh, mong mỏi của phụ huynh. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô khi số ca nhiễm những ngày gần đây sắp chạm mốc 4.000 ca/ngày, số lượng F0 trong các nhà trường cũng có xu hướng tăng, nhiều phụ huynh không tránh khỏi lo lắng khi cho con đi học lại.

Vui mừng, hồi hộp chờ ngày trở lại trường học trực tiếp là tâm trạng chung của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Với nhiều học sinh, sau thời gian dài học online, cả ngày chỉ quẩn quanh ở trong nhà thì việc được quay lại trường, được gặp thầy cô, bè bạn thực sự là một niềm vui, đặc biệt là học sinh lớp 1 khi đã kết thúc học kỳ I nhưng các em vẫn chưa biết lớp, biết trường. Việc các con được đi học trực tiếp cũng từng là nỗi mong chờ của rất nhiều phụ huynh trong suốt nhiều tháng qua. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin học sinh tiểu học được đi học lại từ 21/2, nhiều phụ huynh vẫn không tránh khỏi băn khoăn, lo lắng.

Nỗ lực hóa giải mối lo trẻ đi học trở lại khi F0 tăng -0
Việc học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại khi số ca nhiễm trên địa bàn tăng mạnh khiến phụ huynh lo lắng. Ảnh minh hoạ

hị Đỗ Bích Thuỷ, phụ huynh có 2 con học tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Quyết định cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại các quận nội thành đi học trở lại là đúng người, đúng việc phải làm nhưng nói thật, ở góc độ phụ huynh mình cứ cảm thấy sai thời điểm. Cho các con đi học khi chưa được tiêm vaccine, khi số ca nhiễm mỗi ngày sắp cán mốc 4.000 khiến vợ chồng tôi không khỏi lo lắng vì các cháu còn quá nhỏ, ý thức phòng dịch, tuân thủ 5K còn hạn chế”.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh, phụ huynh có con học lớp 2 và lớp 5 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho biết: “Thời điểm trước Tết, khi giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến, gần như 100% phụ huynh muốn cho con đi học lại sau Tết. Nhưng đến thời điểm này, rất nhiều phụ huynh lưỡng lự, vừa mừng vừa lo vì số ca nhiễm trên địa bàn Hà Nội đang tăng cao, các trường hợp F0 cũng không có điều kiện để chăm chút như trước”.

Thực tế cho thấy, sau hơn 1 tuần học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại Hà Nội đi học trở lại, số ca F0 đã và đang xuất hiện rất nhiều trong các nhà trường. Tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, tính đến ngày 15/2, trường có 111 trường hợp F0, trong đó có 9 giáo viên, nhân viên; 63 học sinh THPT và 39 học sinh THCS. Còn tại Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội), toàn trường đã có 40 F0; Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội), cũng đã có trên 17 trường hợp F0 trải đều ở các khối lớp 7, 8 và 9. Trước đó, tại Hải Phòng và Nghệ An, do số ca nhiễm trong nhà trường tăng mạnh sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều trường học trên địa bàn đã phải chuyển sang dạy học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nỗi lo về dịch bệnh, khi ca nhiễm tại Hà Nội đang tăng lên từng ngày, số ca nhiễm trong nhà trường cũng đang có dấu hiệu tăng thì việc thành phố chỉ cho phép các trường học 1 buổi, không tổ chức bán trú cũng đang là “rào cản” đối với nhiều phụ huynh trong việc chăm sóc, đưa đón con. Bên cạnh đó, việc test nhanh COVID-19 định kỳ cho học sinh để phát hiện và sàng lọc F0 trong trường học cũng đã và đang là bài toán đau đầu đối với phụ huynh học sinh và cả nhà trường.

Thực tế cho thấy, nếu tổ chức test nhanh hàng ngày hoặc định kỳ 1 tuần 2 lần cho học sinh thì nhà trường không đủ tiềm lực khi số học sinh của toàn trường lên tới hàng nghìn. Trong khi đó, nếu đẩy hết trách nhiệm này về phía phụ huynh thì nhiều gia đình có 2-3 con đang đi học sẽ gặp khó, thêm nặng gánh vì phát sinh thêm kinh phí. Hiện tại, hội phụ huynh một số trường, 1 số lớp đang kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hoá cho hoạt động này. Tuy nhiên, số lớp, số trường làm được điều này còn rất ít.

Không chỉ phụ huynh mà ngay cả giáo viên cũng tất bật, căng thẳng hơn với kế hoạch dạy học vừa trực tiếp kết hợp với trực tuyến như hiện nay. Cô Phan Thu Hiền, giáo viên một trường THPT tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Để tạo điều kiện cho các học sinh thuộc diện F0, F1 và những học sinh có nguyện vọng học trực tuyến có cơ hội được học tập như các bạn trên lớp, nhà trường đã trang bị hệ thống camera ghi hình tiết dạy trên lớp kết nối với thiết bị dạy học trực tuyến để các em không tới trường vẫn có thể theo dõi bài giảng tại nhà theo mô hình lớp học “2 trong 1”.

Tuy nhiên, theo cô Hiền, việc vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Không giống như trước đây, các bài giảng được thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, giờ đây khi kết hợp “on-off”, những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên...

Cô Nguyễn Hoàng Hà, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Liệt, Thanh Trì (Hà Nội) cũng cho biết: “Với học sinh tiểu học, nhất là lớp 1 và lớp 2, các em còn nhỏ, ý thức phòng dịch và việc tuân thủ quy định còn hạn chế nên giáo viên trên lớp cũng vất vả, căng thẳng hơn do vừa phải dạy học, vừa phải đảm nhiệm thêm vai trò của nhân viên y tế”.

 Liên quan đến việc tổ chức bán trú khi học sinh tiểu học toàn thành phố đi học trở lại, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở GD&ĐT thấu hiểu những khó khăn, bất tiện của phụ huynh trong thời gian đầu cho con trở lại trường, đặc biệt là nguyện vọng mở bán trú trở lại. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT tính toán kỹ lưỡng các phương án và sẽ sớm có lộ trình đề xuất lên UBND thành phố về việc cho phép các trường tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh, học sinh đến trường trong điều kiện bình thường mới. "Quan điểm của tôi và Sở GD&ĐT là đặt sức khoẻ, an toàn của học sinh lên hàng đầu" - ông Cương nói.

Huyền Thanh
.
.
.