Nhóm học sinh trường làng biến phế phẩm thành sản phẩm xanh

Thứ Năm, 30/03/2023, 09:12

Vượt qua hơn 500 dự án (DA) tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên quốc gia năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; dự án “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu” của 3 học sinh ở một trường làng của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xuất sắc đoạt giải Nhất.

Nhóm tác giả đoạt giải gồm: Võ Thị Thúy Hà, Phan Anh Quang và Lê Thị Thu Hà đều là học sinh Trường THPT Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). DA xuất phát từ ý tưởng của nhóm tác giả về việc sáng chế một loại vật liệu gốm xanh có nguồn gốc từ phế phẩm (vỏ hàu và trấu) hoàn toàn thân thiện với môi trường thay thế cho sản phẩm gốm nung truyền thống. “Qua thử nghiệm, chúng em nhận thấy rằng một sản phẩm vật liệu gốm không nung với sự kết hợp trấu, canxicacbonat từ vỏ hàu và các loại chất kết dính sẽ là sản phẩm khắc phục được những nhược điểm của nhiều loại vật liệu gốm không nung khác, đáp ứng tiêu chí về giá thành, chất lượng…”, em Thúy Hà chia sẻ.

Nhóm học sinh trường làng biến phế phẩm thành sản phẩm xanh -0
Nhóm tác giả thảo luận về sản phẩm.

Theo nhóm tác giả, gốm từ lâu đã là sản phẩm mang đặc trưng truyền thống của nền văn hóa Việt Nam. Việt Nam là một nước có nhu cầu về loại vật liệu gốm rất cao và tăng rất nhanh, bình quân 5 năm trở lại đây tăng từ 10 – 12%. Việc sử dụng đất nung làm nguyên liệu làm mất rất nhiều đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và quá trình nung gốm thải ra môi trường một lượng lớn khí thải gây nên thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đứng trước thực trạng đó, vật liệu gốm không nung là lựa chọn tối ưu đang dần được phát triển.

Đặc biệt, DA sẽ góp phần xử lý một lượng lớn phế phẩm thải ra môi trường hàng năm, tận dụng tối đa các nguồn lợi sinh học đã và đang không được sử dụng triệt để để tạo ra sản phẩm thay thế vật liệu gốm nung, chuyển đổi phế phẩm thành vật liệu xanh, không sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, không độc hại, thân thiện với môi trường.

Em Phan Anh Quang khẳng cho biết, lâu nay, việc chế tạo vật liệu gốm nung truyền thống không chỉ đòi hỏi quá trình kì công mà còn gây ra khí thải với môi trường khi phải nung gốm, sử dụng các nguyên liệu (đất sét, bột..). Vì vậy, “Vật liệu gốm nhẹ không nung từ nguồn phế phẩm vỏ hàu và trấu” (sản phẩm xanh) có thể được ưu tiên sử dụng trong đời sống con người: trang trí (gốm mỹ thuật, gạch ốp tường...); đời sống dân dụng (chậu cây, lọ, đồ chơi trẻ em…).  Nói về nguyên liệu để sản xuất sản phẩm, nhóm tác giả cho biết, theo ước tính của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, sản lượng hàu nuôi hằng năm của Việt Nam 30.000 – 35.000 tấn. Như vậy, lượng vỏ hàu hằng năm tương đương 25.500 - 29.700 tấn.

Ngoài ra, hiện tại 12 tỉnh ven biển, lượng vỏ hàu tồn đọng từ trước đến nay lên đến hàng trăm nghìn tấn. Trong đó, chỉ riêng Vịnh Lăng Cô ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) có trữ lượng vỏ hàu gần trăm nghìn tấn. Đây cũng là nguyên nhân biến nơi này như công trường sản xuất vôi từ vỏ hàu gây nên ô nhiễm môi trường mà các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cảnh báo nhiều lần, nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, lượng vỏ trấu thải ra tại đồng bằng sông Cửu Long hơn 3 triệu tấn/năm, nhưng chỉ khoảng 10% trong số đó được sử dụng. Số còn lại phải đem đốt hoặc đổ xuống sông suối để tiêu hủy. Chính vì vậy, các tác giả đã sử dụng phế phẩm vỏ hàu và trấu làm nguyên liệu chính tạo nên sản phẩm vật liệu gốm nhẹ không nung.

Thầy Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài cho biết, cả 3 học sinh tham gia đề tài đều là những học sinh giỏi xuất sắc. DA của các em trước đây từng đạt giải Ba cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2022. Từ đó, các em phát triển thêm ý tưởng DA và tham gia dự thi cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên quốc gia năm 2023. Quá trình thực hiện DA, các em đã gặp không ít khó khăn, khi cơ sở vật chất thiếu thốn, các loại máy móc thử nghiệm phải đi nhờ tại các nhà máy. Bên cạnh đó, các em vừa thực hiện DA vừa hoàn thành chương trình học ở trường nên khối lượng công việc rất nhiều. Nhưng với ý chí, nghị lực; nhóm học sinh đã thực hiện thành công DA.

“Sản phẩm của các em có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, nhẹ, không cần trải qua quá trình nung gốm đã góp phần bảo vệ môi trường. Mặt khác, việc tận dụng phế phẩm vỏ hàu và trấu đã làm giảm các tác động tiêu cực trong quá trình sản xuất gốm như: giảm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm biển, nguồn nước, hạn chế khí thải từ các nhà máy nung… DA tạo nên các sản phẩm đậm đà bản sắc dân tộc, thân thiện, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, danh lam thắng cảnh Huế…; hướng đến phát triển nền du lịch xanh”, thầy giáo Hoàng Minh cho hay.

Hải Lan
.
.
.