Nhiều sinh viên vào đại học một vài năm mới nhận ra “đi sai đường”
Trong vài năm gần đây, tỷ lệ trúng tuyển và nhập học thấp xảy ra với ngành nghề đào tạo về nông lâm thuỷ hải sản, khoa học cơ bản, dịch vụ xã hội. Mặc dù chỉ tiêu có, nhu cầu xã hội cần, đơn vị, doanh nghiệp cần nhân sự nhưng không có sinh viên theo học, hoặc số lượng sinh viên đăng ký học rất thấp. Đây là xu hướng khá quan ngại bởi khoa học cơ bản là nền tảng rất quan trọng đối với mọi ngành nghề.
Ngày 15/3, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh đại học 2023: Thí sinh chọn ngành học theo bản thân hay xu hướng xã hội?
Tại buổi giao lưu trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 3 - 5 năm gần đây, tỷ lệ thí sinh nhập học nhiều tập trung nhiều vào các ngành như kinh doanh, quản lí, quản trị, sau đó là công nghệ thông tin, báo chí, luật. Tỷ lệ trúng tuyển và nhập học thấp xảy ra với ngành nghề đào tạo về nông lâm thủy hải sản, khoa học cơ bản, dịch vụ xã hội.
Mặc dù chỉ tiêu có, nhu cầu xã hội cần, đơn vị, doanh nghiệp cần nhân sự nhưng không có sinh viên theo học, lượng sinh viên đăng ký rất thấp. Đây là xu hướng khá quan ngại bởi khoa học cơ bản là nền tảng rất quan trọng đối với mọi ngành nghề. Điều này đặt ra cho các cơ quan, đơn vị đào tạo cần có giải pháp cho các bên, để định hướng, ưu tiên phát triển cân đối ngành nghề trong tương lai.
"Tâm lý của sinh viên khi chọn ngành đào tạo, mong muốn sau khi ra trường, đi làm không quá vất vả. Nghĩa là khả năng chấp nhận khó khăn, rủi ro của các em thấp, khả năng chịu đựng cũng giảm sút. Ở lĩnh vực nông, lâm thủy sản đào tạo công nghệ cao, nhiều trường đã đầu tư trang bị tốt. Tuy nhiên, theo tôi, các trường cần có phương thức truyền thông để thay đổi hình ảnh về việc học tập và ứng dụng công việc của ngành nông, lâm nghiệp ở các doanh nghiệp", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.
Trước câu hỏi, thí sinh nên chọn ngành hay chọn trường, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho rằng, môi trường đại học là môi trường để các em trưởng thành. Ở mỗi lứa tuổi, chúng ta đều có những lựa chọn khác nhau. Lựa chọn ngành nghề giống như vòng tròn. Để lựa chọn các ngành nghề phù hợp, các em phải tự test một cách khách quan để xem tính cách, năng lực của mình phù hợp với ngành nghề nào. Các em cần phải trả lời những câu hỏi sau: Có thực sự thích ngành nghề đó hay không? Có đam mê không? Có cơ hội phát triển không?... Rất nhiều sinh viên sau khi học đại học được 1-2 năm rồi mới thấy mình không phù hợp ngành đã chọn, các em có thể chuyển sang ngành khác. Đây là phương thức mà nhiều trường đang áp dụng để tạo điều kiện cho các em.
"Tuy nhiên, việc lựa chọn đại học là cần thiết và cần lựa chọn thật kĩ. Nếu chúng ta lựa chọn nhầm ngành nghề thì các em cũng đừng quá bi quan, bởi chuyên môn nếu đánh giá đúng theo tôi chỉ chiếm khoảng 15% thành công của con người. Nếu em đã chọn nhầm thì em cứ làm tốt ngành nghề ấy, em sẽ trau dồi 85% về năng lực về chuyên môn thì khi ra ngoài, cơ hội của em sẽ khác. Sự lựa chọn ngành nghề tại thời điểm đó có thể đúng, nhưng khi có thêm thông tin thì thấy không hợp. Cuộc đời của chúng ta có cả tuổi trẻ phía trước, chúng ta có sẵn sàng chấp nhận thất bại hay không?", PGS.TS Nguyễn Phú Khánh bày tỏ.
Với thời đại công nghệ số hiện nay, nhất là sau khi phần mềm ChatGPT ra đời, báo hiệu nhiều ngành nghề có khả năng sẽ mất đi và xuất hiện nhiều ngành mới. Vậy những ngành học nào có tiềm năng phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong tương lai?
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện chính sách và phát triển chia sẻ, ngày nay theo xu thế và sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng như sự bùng nổ của khoa học, công nghệ kéo theo nhiều xu hướng mới ra đời và nhiều ngành nghề mới ra đời, nhiều ngành truyền thống cũng sẽ mất đi. Dó đó, các trường đại học cũng đã và đang thay đổi nhằm thích nghi với sự phát triển, đồng bộ cùng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, kinh tế xã hội… theo hướng chuyển đổi số.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi mở thêm một số ngành như công nghệ tài chính và kinh doanh số, có nghĩa là áp dụng những nền tảng công nghệ vào tài chính và kinh doanh trên môi trường số. Hay những ngành có tính chất liên ngành như hệ thống kỹ thuật công nghiệp logistics và những ngành liên quan đến công nghệ kỹ thuật sẽ là xu hướng phát triển mạnh trong tương lai".
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa thì cho rằng, chỉ sau 2 năm, mọi thứ đã khác rất nhiều, công nghệ phát triển nhanh, các ngành nghề truyền thống như thủy sản, nông lâm, du lịch… không được lựa chọn nhiều như trước. Nhưng nếu chúng ta có thái độ tốt, quyết tâm không sợ thất bại thì chúng ta có thể giữ được ngành nghề này.
"Còn nếu chạy theo những ngành “hot” thì 5 - 7 năm sau chưa chắc đã là lựa chọn tốt. Những ngành nghề phát triển hiện nay gồm ngành công nghệ thông tin liên quan nhiều đến trí tuệ nhân tạo; tự động hóa liên quan đến cơ điện tử, cơ khí, điện tử viễn thông; các ngành kinh tế, kinh doanh; nhóm ngành sức khỏe, làm đẹp. Đây là những nhóm ngành áp dụng công nghệ rất nhiều. Các thí sinh cần lưu tâm và lựa chọn đúng", PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nói...