Giải bài toán mất cân đối trong lựa chọn ngành nghề

Nghịch lý ngành học “khát” nhân lực nhưng vẫn “ế” chỉ tiêu (Bài 2)

Thứ Bảy, 06/05/2023, 10:45

Trong khi các ngành hot thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển thì cũng có một số ngành mặc dù xã hội đang có nhu cầu nhân lực lớn, học phí và điểm chuẩn trúng tuyển cũng đều thấp nhưng vẫn “khát” người học.

Do “ế” chỉ tiêu, không tuyển đủ người học nên một số ngành học phải thu hẹp quy mô đào tạo. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài không chỉ gây khó khăn cho các trường mà còn làm cho tình trạng mất cân đối giữa các ngành nghề ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nghịch lý ngành học “khát” nhân lực nhưng vẫn “ế” chỉ tiêu (Bài 2) -0
Dù điểm chuẩn trúng tuyển thấp nhưng ngành Khoa học cơ bản, Nông lâm nghiệp vẫn phải “đỏ mắt” tìm thí sinh. Ảnh minh họa

Học phí, điểm trúng tuyển đều thấp nhưng rất ít người học

Thống kê số liệu tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD&ĐT cho thấy, phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỉ lệ cao so với chỉ tiêu, bên cạnh đó cũng có một số cơ sở đào tạo tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo. Trong tổng số 440 ngành thì có 94 ngành tuyển kém, tuyển sinh đạt dưới 50% chỉ tiêu. Những ngành học có tỷ lệ tuyển sinh thấp gồm dịch vụ xã hội, Toán và thống kê, Khoa học tự nhiên, Thú y, Khoa học sự sống, Dịch vụ vận tải, Nông lâm nghiệp thuỷ sản, Môi trường và bảo vệ môi trường… Đáng chú ý, trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực Nông- Lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học Tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Mặc dù hiện học phí các ngành Khoa học cơ bản đang ở mức thấp nhất trong các ngành đào tạo; nhóm ngành Khoa học cơ bản vẫn nằm trong tốp ngành có điểm chuẩn thấp nhất nhưng vẫn không thu hút được người học. Theo khảo sát của phóng viên, trong mùa tuyển sinh năm 2021 và 2022, điểm chuẩn trúng tuyển đại học tăng mạnh ở hầu hết các ngành, tuy nhiên điểm chuẩn vào các ngành Khoa học cơ bản nói chung, các trường có kinh nghiệm đào tạo nhiều năm trong lĩnh vực này lại đều “giậm chân tại chỗ”. Đơn cử như tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, mặc dù điểm chuẩn vào trường tăng mạnh ở một số ngành nhưng riêng khối ngành Khoa học cơ bản như Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học vẫn chỉ ở mức 6 điểm/môn và rất khó tuyển đủ chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, nhóm ngành Khoa học cơ bản vốn là truyền thống đào tạo của trường, điểm chuẩn cũng chỉ ở mức 5 điểm/môn. Tình trạng này cũng diễn ra đối với các trường như ĐH Mỏ - Địa chất, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, ĐH Thuỷ Lợi, ĐH Xây dựng, ĐH Giao thông vận tải khi điểm chuẩn vào các ngành khoa học cơ bản dao động từ 6-7 điểm/môn. Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng phải xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu thuộc 6 ngành khoa học cơ bản như Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật cơ khí xây dựng. Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cũng thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu cho các ngành như Quản lý tài nguyên rừng, Lâm sinh, Quản lý đất đai, Du lịch sinh thái, Thú y, Công nghệ chế biến lâm sản, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật. Không chỉ nhóm ngành Nông- Lâm- Ngư mà một số ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn như Tôn giáo học, Triết học, Lịch sử, Địa lý, Lưu trữ học, Thông tin thư viện cũng có rất ít thí sinh đăng ký.

Các trường đại học Trung ương tuyển sinh đã khó, các trường đại học vùng, đại học địa phương tuyển sinh còn khó hơn. Kết thúc đợt tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Tây Nguyên chỉ có hơn 10 thí sinh trúng tuyển ngành Chăn nuôi; 5 thí sinh ngành Khoa học cây trồng, ngành Lâm sinh có 6 thí sinh. Tương tự, tại Trường ĐH Kiên Giang, nhóm ngành học gắn chặt với đặc thù nhân lực của địa phương cũng tuyển sinh rất chật vật như: Công nghệ kỹ thuật môi trường, ngành Chăn nuôi, ngành Khoa học cây trồng chỉ tuyển được từ 5-7 thí sinh. Tại Trường ĐH Đà Lạt, một số ngành chỉ có từ 2-5 thí sinh trúng tuyển như Công nghệ sau thu hoạch, ngành Sinh học, ngành Vật lý học, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, ngành Lịch sử.

Vì đâu nên nỗi?

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc các ngành Khoa học cơ bản, Nông, Lâm nghiệp đang trở nên kém hấp dẫn so với các ngành học mới, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, tình trạng mất cân đối giữa ngành Khoa học cơ bản với các ngành nghề có tính ứng dụng cao xuất phát từ thực tế nhu cầu của xã hội. Các ngành Khoa học cơ bản thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Sinh viên theo học ngành Khoa học cơ bản khó xin việc làm đúng với chuyên ngành học ở các doanh nghiệp hoặc công ty tư nhân.

Về phía cơ quan Nhà nước, chỉ tiêu tuyển dụng ít, khó có thể tiếp nhận hết số sinh viên theo học ngành này khi ra trường. Môi trường làm việc của ngành Khoa học cơ bản chủ yếu ở các cơ quan nghiên cứu hoặc trường đại học. Điều kiện làm việc ở đây khá “kén” người, đòi hỏi phải có trình độ cao, đầu tư chất xám lớn mới có thể thực hiện được các công trình nghiên cứu. Trong khi đó, những ngành liên quan đến Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng lớn, môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp với trình độ của nhiều đối tượng nên nhiều em đã đăng ký theo học.

Một nguyên nhân nữa khiến ngành Khoa học cơ bản không đủ “sức hút” sinh viên là bởi mức thu nhập thấp. Sinh viên mới ra trường nếu làm việc ở viện nghiên cứu được hưởng mức lương theo hệ số quy định của Nhà nước. Đã vậy, không phải sinh viên tốt nghiệp đại học nào cũng được nhận vào biên chế ngay. Với những người phải trải qua quá trình thực tập, thử thách, mức lương rất thấp không thể bảo đảm trang trải cuộc sống. Vì thế, nhiều người đã xin chuyển ra bên ngoài để có thu nhập tốt hơn.

Những khó khăn trên khiến tỷ lệ thi tuyển đầu vào ngành Khoa học cơ bản ở mức thấp. Một số trường khắc phục bằng cách ghép những ngành Khoa học cơ bản vào những ngành Khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, việc này chỉ giải quyết được vấn đề tuyển sinh còn đầu ra vẫn là bài toán khó cho những người theo học. Trong khi đó, thiếu sinh viên theo học ngành Khoa học cơ bản về lâu dài sẽ dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cán bộ chất lượng cao hoạt động trong ngành này, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo TS. Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi, mặc dù những năm gần đây, nhà trường có nhiều chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra nhưng vẫn không thu hút được người học vào các ngành Khoa học cơ bản. Điều đáng buồn là dù thị trường rất “khát” nhân lực nhưng nhà trường không đủ khả năng đáp ứng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như các chính sách về lương hay vị trí việc làm chưa hấp dẫn, khiến tính cạnh tranh trong thị trường lao động không cao; đặc thù của những ngành này đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường cần tiếp tục học lên cao hơn để khẳng định vị trí trong nghiên cứu chuyên sâu trong khi đó, cùng quãng thời gian ấy, sinh viên các ngành học khác ra trường đã có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Ngoài ra, hiện nhiều người học còn chưa thực sự mặn mà với các ngành Khoa học cơ bản do thiếu thông tin, do chạy theo hiệu ứng “đám đông” lựa chọn những ngành hot.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, trong những năm qua, nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra nhưng vẫn chưa thực sự thu hút được người học. Vì thế, dù xác định các ngành Khoa học cơ bản là những ngành quan trọng cho sự phát triển, nhưng trường vẫn buộc phải thu hẹp quy mô tuyển sinh do không tuyển đủ chỉ tiêu.

Huyền Thanh
.
.
.