Nghị lực vượt khó của nữ Thủ khoa khối C đại học

Thứ Sáu, 19/07/2024, 07:30

Em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 12D1, Trường THPT Phan Thúc Trực, huyện Yên Thành, Nghệ An là một trong những thủ khoa Khối C00 của cả nước trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với tổng điểm xét tuyển vào đại học khối C00 là 29,75 điểm. Trong đó, điểm Ngữ văn của Cẩm Tú là 9,75, hai môn còn lại là Lịch sử và Địa lý đều đạt 10. Để có được kết quả này là cả một hành trình dài em đã cố gắng nỗ lực không ngừng để vượt lên nghịch cảnh.

Em Nguyễn Thị Cẩm Tú sinh ra và lớn lên tại xã Khánh Thành của miền quê lúa Yên Thành (Nghệ An), một miền quê nghèo khó nhưng nổi tiếng hiếu học của xứ Nghệ. Bố và mẹ của em đều là hội viên Hội Người mù huyện Yên Thành. Bố em bị khiếm thị từ nhỏ, còn mẹ em thì bị bệnh u màng não, phải phẫu thuật nhiều lần nên bị chèn dây thần kinh thị lực và mắt mờ dần. Nhà nghèo khó, nên cả bố và mẹ phải rời quê xuống thành Vinh đi làm nhân viên massage của Hội Người mù. Bố mẹ đã tảo tần, tằn tiện để nuôi Cẩm Tú và 1 em gái đang học lớp 11 ở trường quê.

Nghị lực vượt khó của nữ Thủ khoa khối C đại học  -0
Em Nguyễn Thị Cẩm Tú (áo đen bên phải) với bố mẹ và em gái.

Với hoàn cảnh éo le như vậy nên ngay từ thuở ấu thơ, chị em Cẩm Tú được rèn luyện thói quen tự giác, tự nguyện, tự lực, làm lụng việc gia đình thay cha mẹ, chăm chỉ học tập. Khi còn nhỏ, em chưa nhận thức rõ được sự khác biệt giữa mình và bạn bè. Càng lớn lên, em đã nhìn thấy rõ sự thiệt thòi và vất vả của bố mẹ nên luôn xác định mình càng phải chăm chỉ, cố gắng, nỗ lực hơn.

Bố mẹ em bị khiếm thị, không làm được nhiều việc như người khác nên luôn nhắc nhớ 2 chị em rằng, việc học là điều quan trọng để em có thể thay đổi được hoàn cảnh gia đình. Ước mong của em khi vào đại học là được học ngành Quan hệ công chúng của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cẩm Tú chia sẻ với chúng tôi rằng, trong năm lớp 10 và lớp 11, em không phải là học sinh chăm chỉ nhất lớp vì nhận thức tầm quan trọng việc thi cử chưa đầy đủ. Lên lớp 12, em bắt đầu thể hiện sự nỗ lực bứt phá, dành thêm nhiều thời gian cho việc học và thi khối C. Trước khi thi tốt nghiệp THPT, em đã được ôn luyện, cọ xát qua kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh môn Lịch Sử và môn Giáo dục Công dân. Tuy kết quả chưa thật là cao, em chỉ đạt giải 3 môn Lịch sử và giải Nhì môn Giáo dục Công dân nhưng nó có ý nghĩa lớn cho thi tốt nghiệp THPT sau này.

Ở kỳ thi thử đầu tiên trong học kỳ 1 của lớp 12 do nhà trường tổ chức, cô giáo chủ nhiệm đã nghiêm khắc với em về tội làm bài nhanh nhưng hay chủ quan, thiếu cẩn trọng kiểm tra lại các phần mình đã làm. Em đã xem đó là một cú hích vô cùng quan trọng, biến nó thành động lực để tự sửa mình và nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong những bài thi thử sau đó. Em đã cầu thị tiếp thu sự chỉ bảo của cô giáo và rút kinh nghiệm khi làm bài thi tổ hợp. Cẩn trọng phân tích đề và nháp, nhanh chóng điền vào phiếu trắc nghiệm khi đã thấy tự tin và chắc chắn, vì vậy em đã đạt điểm 10 ở cả 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân.

Nói về thầy cô giáo của mình, Cẩm Tú khẳng định “Chính cô giáo chủ nhiệm cùng các thầy cô giáo bộ môn đã định hướng rất nhiều cho em và mở rộng cho em nhiều cơ hội, không chỉ là kiến thức mà còn là vốn sống, kỹ năng sống”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm, bí quyết trong học và thi để đạt điểm cao, Cẩm Tú cho biết: “Cách học tốt nhất là mình phải rèn luyện kỹ năng ghi nhớ chắc chắn các kiến thức cơ bản được học để tránh sau này phải ôn lại, mất nhiều thời gian. Đó là cách học chung của nhiều bạn, nên để có một kết quả vượt trội thì năng khiếu rất quan trọng. Quan trọng hơn hết là ở thái độ, tinh thần tự học, tự tìm tòi và niềm yêu thích đặc biệt với môn học của mình.

Bên cạnh đó, học kiến thức trên lớp là quan trọng nhưng chưa đủ. Cần linh động hơn trong việc kết hợp học online với các giáo viên giỏi trên mạng và tự em luôn cố gắng kết nối với các giáo viên có phong cách dạy phù hợp với cách học của bản thân. Em luôn có tư duy mở để tìm cách mở rộng vấn đề kiến thức đã được học sẵn để liên kết các đầu kiến thức lại giúp tư duy linh hoạt để chủ động tâm lý khi gặp các câu hỏi lạ không bị rơi vào trạng thái bất ngờ, bị động, hoang mang. Cùng với đó, cố gắng tiếp cận với các anh chị đi trước để học hỏi thêm kiến thức và kỹ năng, tìm các đầu kiến thức ôn luyện có “free” ở trên mạng để có nhiều góc nhìn về kiến thức mình đã học và tập làm các dạng đề.

Ngoài ra, em nghĩ rằng để học và thi tốt các môn khoa học xã hội nên học theo “keyword” để cố gắng nhớ và hiểu ngay tại lớp. Gần sát ngày thi, đem ra ôn tập thật kỹ và luyện đề nhiều để rà soát lại xem mình còn thiếu và yếu những kiến thức nào, mảng nào, vấn đề nào và cải thiện ngay. Và cuối cùng, một điều vô cùng quan trọng là khi đã làm chủ những kiến thức cơ bản phải giữ được tâm lý thoải mái khi học cũng như sự bình tĩnh khi vào phòng thi.

Trần Trung Hiếu
.
.
.