Năm đầu tiên đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến: Cần ưu tiên các giải pháp hỗ trợ thí sinh

Thứ Ba, 13/09/2022, 11:52

Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh chung. Tuy nhiên, do lần đầu triển khai nên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số bất cập như thí sinh nhầm lẫn, sai sót trong thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển; gặp khó khăn khi không nộp được lệ phí qua các kênh thanh toán. Nếu không tiếp tục có sự hỗ trợ từ Bộ GD&ĐT và các trường đại học, nhiều em sẽ bị thiệt thòi, mất quyền lợi xét tuyển và trúng tuyển.

Để tạo điều kiện cho thí sinh không bị mất quyền lợi khi chưa nộp được lệ phí xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã mở lại hệ thống cho phép thí sinh tiếp tục thanh toán lệ phí tuyển sinh trực tuyến đến 17h ngày 13/9 nhưng hiện vẫn còn một số thí sinh và phụ huynh vẫn đang loay hoay chưa đóng được tiền.

Theo phản ánh của một số thí sinh, khi tiến hành thanh toán lệ phí xét tuyển gần đến bước cuối lại không thấy phần “xác nhận thanh toán” ở đâu, rồi hệ thống bị lỗi, phải đăng nhập lại liên tục, hướng dẫn cách thức thao tác của một số kênh thanh toán còn rườm rà, khó hiểu. Nhiều thí sinh không có tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thậm chí không có điện thoại thông minh nên đều phải nhờ bạn bè, người quen nộp tiền giúp. Ngoài ra, một số phụ huynh, thí sinh do không nắm được thông tin việc bộ điều chỉnh lịch và quy định nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến nên không thực hiện thanh toán.

Bên cạnh việc gặp khó khăn khi nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến, một số thí sinh còn mắc sai sót trong việc đăng ký các phương thức trúng tuyển sớm trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Trong số này, có lỗi chủ quan của học sinh là không chịu cập nhật thông tin hướng dẫn về đăng ký trên hệ thống, cứ đinh ninh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm bằng phương thức xét tuyển học bạ là không phải đăng ký lại trên hệ thống nữa. Trong khi đó, năm nay, Bộ GD&ĐT quy định tất cả thí sinh dù đăng ký phương thức xét tuyển nào cũng phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Các phương thức xét tuyển khác nhau sẽ được quy định theo mã số khác nhau. Đây là lý do khiến nhiều thí sinh đăng ký nhầm mã số dẫn đến nhầm phương thức xét tuyển.

Năm đầu tiên triển khai đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến: Cần ưu tiên các giải pháp hỗ trợ thí sinh -0
Nhiều thí sinh gặp sai sót, khó khăn trong việc đăng ký nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến do chưa nắm rõ quy chế mới.

Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, mặc dù việc đổi mới xét tuyển của Bộ GD&ĐT nhằm hướng tới đảm bảo quyền lợi được trúng tuyển nguyện vọng ưu tiên cao nhất của thí sinh. Tuy nhiên, với những bất cập nảy sinh trong thực tế triển khai cho thấy, do chưa nắm vững quy chế mới nên nhiều thí sinh gặp sai sót khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Nếu không có giải pháp hỗ trợ sẽ thiệt thòi cho các thí sinh này.

Tại Hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm 2021-2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 12/9, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2022, tất cả các khâu như đăng ký nguyện vọng hay thanh toán lệ phí tuyển sinh, thí sinh đều phải thực hiện trực tuyến. Trong thời gian đầu, nhiều thí sinh còn bỡ ngỡ. Các đường dây trực tuyến của Bộ GD&ĐT đã làm việc 24/7 để hỗ trợ thí sinh. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT có một số lần mở lại hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, kéo dài thời gian giúp các em đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng cũng như thanh toán lệ phí tuyển sinh.

Trong những ngày đầu tiên khi các trường tải dữ liệu về và tiến hành chạy thử điểm chuẩn, đã phát hiện một số sai sót của thí sinh như nhiều em đăng ký vào hệ thống nhưng đăng ký nhầm tổ hợp hoặc phương thức xét tuyển. Để tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh, Vụ Giáo dục Đại học đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT có chủ trương, giải pháp chung, thống nhất trong toàn hệ thống về vấn đề này. Theo đó, các trường khi nhận được phản ánh của thí sinh có thể chủ động làm việc, trao đổi với thí sinh và giải quyết bằng cách trực tiếp đưa những trường hợp này vào danh sách lọc ảo của mình nếu các em thực sự có sai sót. Từ đó, giảm thiểu được mọi sai sót về sau.

Về nhóm thí sinh đến nay vẫn chưa thanh toán được lệ phí xét tuyển, Vụ Giáo dục Đại học đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa danh sách tất cả thí sinh này vào xét tuyển, để các em thực hiện trách nhiệm của mình sau. Việc nộp lệ phí vẫn thực hiện trực tuyến, đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong toàn hệ thống, không gây khó khăn cho thí sinh. Đồng thời, đề nghị các trường đại học tiếp tục rà soát các trường hợp thí sinh còn sai sót, sai logic khi nhập nguyện vọng vào hệ thống và có hướng xử lý. “Với những trường hợp thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng không thấy có đăng ký trên hệ thống, nếu các em thực sự có sai sót, chúng ta không thể đưa vào danh sách lọc ảo bây giờ thì các trường cũng có thể xem xét cụ thể sau khi đã có kết quả xét tuyển đợt 1”, bà Thủy nói.

Bà Thủy cũng cho rằng, quy chế tuyển sinh hiện hành đã quy định, các trường khi tổ chức xét tuyển sớm phải có trách nhiệm thông báo với thí sinh về việc thí sinh đã trúng tuyển sớm, hướng dẫn các em đăng ký lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Do đó, rất mong các trường có sự hỗ trợ khi thí sinh có phản ánh về những sai sót trong quá trình các em đăng ký.

Về lo ngại kéo dài thời gian xét tuyển, bà Thuỷ cho rằng, thời gian nhập học của năm nay không chênh lệnh so với năm 2021. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng chia sẻ với sự lo lắng, mong muốn cho thí sinh nhập học sớm của các trường, để thời gian bắt đầu năm học mới tịnh tiến lên. “Chúng tôi đã tham mưu, báo cáo với lãnh đạo Bộ GD&ĐT để trong kỳ tuyển sinh tiếp theo sẽ có những giải pháp tốt hơn", bà Thủy cho biết.

Huyền Thanh
.
.
.