Miệt mài bám lớp “gieo” ước mơ con chữ ở vùng cao

Thứ Ba, 21/11/2023, 05:07

Quảng Nam có 9 huyện miền núi, là địa bàn sinh sống chủ yếu của người đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vất vả khi công tác tại khu vực miền núi, song với tinh thần sẻ chia, trách nhiệm, đội ngũ những thầy, cô giáo, trong đó có thầy, cô Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Đông Giang vẫn ngày ngày bám bản, bám trường, giúp các em dân tộc thiểu số tiếp tục giấc mơ con chữ...

Chúng tôi ghé Trường PTDTNT THCS Đông Giang (Quảng Nam) vừa đúng giờ ra chơi. Tranh thủ trò chuyện, cô giáo Rơ Lang Hhlơnh (SN 1994, dạy môn Lịch sử) chia sẻ, cô quê ở tỉnh Gia Lai, là người đồng bào Jarai. Do lấy chồng là người xã Tư, huyện Đông Giang nên cô về quê chồng sinh sống. Năm 2021, cô Hhlơnh trúng tuyển kỳ thi viên chức ngành Giáo dục và được điều động về công tác tại Trường PTDTNT THCS Đông Giang.

giao vien 1-ngoc thi.jpg -0
Cô giáo Rơ Lang Hhlơnh ân cần dạy bảo học sinh.

“Những ngày đầu đến giảng dạy ở trường, mình cũng bỡ ngỡ lắm vì làm việc ở môi trường mới, địa phương mới. Nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của tập thể Ban giám hiệu nhà trường và nhất là học sinh ở đây vừa chăm ngoan, vừa lễ phép nên mình nhanh chóng bắt nhịp công tác dạy và học tại trường”, cô Hhlơnh chia sẻ.

Trong năm học này, Trường PTDTNT THCS Đông Giang có 36 cán bộ, giáo viên, trong đó có 8 người là người Kinh, 28 người là đồng bào Cơ Tu và các dân tộc khác. Đã có nhiều giáo viên ở miền xuôi lên giảng dạy và gắn bó với ngôi trường, với mảnh đất miền núi còn nhiều khó khăn này. Trong số đó có cô Nguyễn Thị Phương Thảo, Hiệu phó Trường PTDTNT THCS Đông Giang, quê ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn.

Cô Thảo tâm sự, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam vào năm 2007, cô tình nguyện lên giảng dạy tại huyện Đông Giang. Trong quá trình công tác, cô đã tham gia giảng dạy tại nhiều trường học trên địa bàn huyện và đến năm 2021 thì được điều động về làm Hiệu phó Trường PTDTNT THCS Đông Giang. Ngoài công tác quản lý, cô còn tham gia giảng dạy môn Lý - Kỹ thuật tại trường.

“Hồi biết tôi lên nhận công tác tại huyện Đông Giang, ba mẹ cũng ngăn cản vì cứ lo ở miền núi còn nhiều khó khăn, tôi sẽ vất vả. Nhưng sau tôi đã cố gắng thuyết phục và ba mẹ tôi đã đồng ý để tôi lên đây giảng dạy. Ở đây dù còn nhiều khó khăn, đường sá xa xôi, đi lại vất vả, song nhờ sự đoàn kết, yêu mến của đồng nghiệp và sự chăm ngoan của các em học sinh đã giúp tôi bám trường, bám lớp cho đến hôm nay.

Chồng tôi là người đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang, giờ cũng giảng dạy tại huyện Đông Giang. Với bao tình cảm trìu mến, vợ chồng tôi đã xem Đông Giang là quê hương thứ hai của mình”, cô Thảo bộc bạch.

Trường PTDTNT THCS Đông Giang hiện có 274 học sinh, trong đó 265 em là người đồng bào dân tộc thiểu số (96,72%); tất cả đều được tổ chức ăn ở, học tập ngay trong trường. Em Nguyễn Ngọc Thùy Tâm (học sinh lớp 9, người đồng bào Cơ Tu) tâm sự, các thầy, cô ở trường rất thân mật, tận tình chăm sóc học sinh từ việc học hành đến ăn ở, sinh hoạt hằng ngày. Nhờ nỗ lực, cố gắng của bản thân và sự dạy bảo tận tình của các thầy, cô giáo mà trong các năm học lớp 6, 7, 8, em Tâm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

“Em được ba mẹ chở đến trường vào sáng thứ hai rồi đến chiều thứ sáu thì được ba mẹ đón về nhà. Ở trường em vui lắm, được thầy cô chăm sóc, chỉ dạy tận tình, còn các bạn thì vui vẻ, hòa nhã với nhau. Tại trường, chúng em bữa nào cũng được ăn uống đầy đủ. Ước mơ của em sau này sẽ thi vào trường Công an để trở thành một người chiến sĩ Công an, góp phần bảo vệ bình yên cho quê hương của em”, em Tâm bày tỏ.

Thầy giáo Bùi Thành Chung, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Đông Giang cho biết, trường được thành lập từ năm 1977 và đến năm 2016 thì đổi tên như hiện nay. “Mặc dù cán bộ giáo viên nhà trường đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, điều kiện giảng dạy ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, song tập thể sư phạm nhà trường luôn nỗ lực để thực hiện dạy tốt - học tốt với phương châm “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nhờ đó tỷ lệ học sinh nhà trường được vào Trường Nội trú tỉnh Quảng Nam học THPT hằng năm đều ở mức cao, như năm 2023 tỷ lệ này đạt gần 60%”, thầy Chung nói.

Do trường tổ chức nội trú cho học sinh nên nhà trường đã phân công cụ thể thầy, cô trực để quản lý học sinh, tổ chức dạy bồi dưỡng cho các em vào ban đêm nhằm nâng cao, củng cố kiến thức cho các em.

Vì phần lớn học sinh là người đồng bào thiểu số, ở nội trú nên các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục đặc thù nội trú và các hoạt động chính về chuyên môn đều được Trường PTDTNT THCS Đông Giang tổ chức linh hoạt, ý nghĩa, phù hợp với tình hình thực tế.

Trong đó, đáng chú ý có các hoạt động như Thi lưu bút kỷ niệm xanh đối với khối 8, 9, Thi vẽ tranh chủ đề 20/11 đối với khối 6, 7 chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam; Tổ chức Lễ hội mừng lúa mới; thành lập các câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Tiếng Anh”, “Cầu lông”, “Bóng đá”, “Bóng chuyền”, “Cồng chiêng”…; tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; dạy bồi dưỡng Toán, Văn khối 6, 7, 8; Toán, Văn, Anh khối 9.

Ngoài ra, nhà trường còn thực hiện đúng quy định của Nhà nước về các chế độ hỗ trợ cho học sinh, như mỗi em được hỗ trợ tiền ăn 1,44 triệu đồng/tháng; phối hợp với các trường trên địa bàn huyện để thực hiện công tác phổ cập giáo dục của huyện.

Ngọc Thi
.
.
.