Lan tỏa tình yêu lịch sử qua lớp học online miễn phí

Thứ Bảy, 21/08/2021, 08:02

“Con thích học vì cô có giọng nói dễ nghe, dễ hiểu”, “Con thích học vì muốn biết thêm về các anh hùng lịch sử”… Đó là những lời chia sẻ đầy xúc động của các em học sinh gửi tới các “cô giáo” không chuyên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia phụ trách “Lớp học lịch sử online miễn phí” thời gian qua. Giữa mùa dịch COVID-19 hoành hành, những buổi học online giảng dạy về lịch sử cho các học sinh trên mọi miền đất nước của cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia thật ý nghĩa.

Lớp học “ảo”, hiệu quả thực

19h45’ thứ Tư hàng tuần, sau bữa cơm tối, Vũ Hoàng Bảo Châu, học sinh lớp 3A - Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện, quận Đống Đa (Hà Nội) lại lên căn phòng nhỏ - góc học tập của mình. Chiếc máy vi tính nhanh chóng được Châu khởi động, truy cập vào mạng Inernet. Với Châu, giờ học lịch sử online qua ứng dụng zoom do “cô giáo” Nguyễn Thị Hà (cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng – Bảo tàng Lịch sử quốc gia) giảng đã quá đỗi quen thuộc. Giao diện màn hình máy tính hiện ra, tiếng “cô giáo” Hà vang lên: “Cô chào các con. Một buổi tối thật thú vị sẽ đến với các con!”.

Trang 23: Lan tỏa tình yêu lịch sử qua lớp học online miễn phí -0
 

20h, cùng với Bảo Châu, hình ảnh 26 bạn học sinh với vẻ mặt háo hức lần lượt hiện lên trên ứng dụng zoom màn hình máy tính “cô giáo” Hà. Buổi học hôm nay, “cô giáo” Hà chia sẻ cho các em học sinh đến từ lớp 3A - Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện về nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc Trần Quốc Toản. Những kiến thức về anh hùng dân tộc Trần Quốc Toản được “cô giáo” Hà truyền đạt thông qua 4 nội dung: khái quát - chia sẻ thông tin – chiếu phim hoạt hình và đặt câu hỏi để tương tác, tìm hiểu sâu hơn về nhân vật lịch sử. Nội dung học được “cô giáo” Hà truyền đạt đến đâu, là những ánh mắt to tròn, sự chăm chú lắng nghe của các em xuất hiện đến đó. Đáng chú ý, ở nội dung tương tác, trước những câu hỏi: “Các con cho biết, anh hùng Trần Quốc Toản gắn với hình ảnh quả gì?”, “Anh hùng Trần Quốc Toản đã dũng cảm ra sao?”…, những cánh tay xung phong, những tiếng nói “Cô ơi! cho con trả lời ạ!” cứ thế nối nhau xuất hiện. Trong chốc lát, lớp học online do “cô giáo” Nguyễn Thị Hà đảm trách thật huyên náo.

Chương trình học lịch sử online miễn phí của Bảo tàng Lịch sử quốc gia không bắt buộc, nên các bài giảng phải thật sự bổ ích, lôi cuốn theo dạng thức “vừa chơi, vừa học”. “Cô giáo” Nguyễn Thị Hà cho biết, hàng tuần cô lên lớp vào  buổi tối, mỗi buổi có 27-30 em học sinh tham gia. Và để lớp học “ảo” đạt hiệu quả thực, “cô giáo” Hà phải thường xuyên trao đổi với thầy, cô giáo các trường học cũng như các bậc phụ huynh, thông qua đó nắm bắt tâm lý các em học sinh, để thay đổi cách thức truyền đạt phù hợp. Đến nay, “cô giáo” Hà đã tổ chức được 180 buổi dạy lịch sử online miễn phí với hơn 4.800 lượt học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở tham gia.

Sự đam mê “thổi lửa” cho lớp học

 “Cô giáo” Trịnh Thị Hòa, cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng kể với chúng tôi rằng, chương trình “Giờ học lịch sử online” với chủ đề “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” do chị cùng một số đồng nghiệp phụ trách bắt đầu triển khai từ tháng 6/2021. Để tiếp cận, mở rộng và thu hút đông đảo các em học sinh ở Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Bảo tàng đã mở link đăng ký học online trên mạng xã hội. Kết quả, chỉ sau hai ngày, đã có hơn 500 em học sinh từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… đăng ký theo học. 15 lớp (mỗi buổi/lớp) theo đó được hình thành. Cùng với “cô giáo” Trịnh Thị Hòa và “cô giáo” Nguyễn Thị Hà, còn có một số cán bộ của Phòng Giáo dục, Công chúng tích cực tham gia như: “cô giáo” Lê Thị Liên, “cô giáo” Nguyễn Thị Ngọc Anh v.v..

Trang 23: Lan tỏa tình yêu lịch sử qua lớp học online miễn phí -0
 Một giờ lên lớp dạy lịch sử online của “cô giáo” Nguyễn Thị Hà.

Với chủ đề “Sáng mãi những tấm gương anh hùng”, “cô giáo” Trịnh Thị Hòa đã thực hiện 5 buổi học gắn với 5 chủ điểm tìm hiểu về những tấm gương anh hùng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng như các anh: Kim Đồng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bá Ngọc và chị Võ Thị Sáu… Cũng theo “cô giáo” Trịnh Thị Hòa, trong quá trình lên lớp, bản thân phải luôn linh hoạt, truyền tải cô đọng, súc tích, tạo sự hấp dẫn, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ các nhân vật lịch sử. Đặc biệt, cuối mỗi buổi học đều là những trò chơi trải nghiệm với những câu hỏi đua tài trí tuệ gắn liền với chủ đề buổi học được xây dựng, thiết kế sinh động trước đó.

Trò chuyện với các “cô giáo”: Nguyễn Thị Hà, Trịnh Thị Hòa, Lê Thị Liên…, chúng tôi được biết, việc dạy học lịch sử online miễn phí thông qua ứng dụng zoom trong thời gian qua đều bắt nguồn từ sự đam mê, tự nguyện. Bởi thế mà sau mỗi ngày làm việc, khi bóng tối buông xuống, những “cô giáo” không chuyên lại hào hứng với chiếc máy vi tính nối mạng Internet có giao diện màn hình là hình ảnh các em học sinh thân thương...

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 tài liệu, hiện vật. Hằng năm, Bảo tàng đón khoảng 150.000 – 200.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Bảo tàng tạm dừng hoạt động đón khách.

Để kịp thời “thích ứng” với bối cảnh dịch bệnh, Bảo tàng chủ động điều chỉnh hướng hoạt động, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động giới thiệu trưng bày, cũng như tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích, cung cấp cho các em học sinh những kiến thức, câu chuyện, thông tin về những tấm gương anh hùng, sự kiện lịch sử, góp phần quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa, giá trị truyền thống lịch sử, khơi dậy ở thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc…, Bảo tàng đã chỉ đạo cán bộ thực nghiệm hình thức giảng dạy môn lịch sử online qua ứng dụng Zoom.

Tính đến ngày 15/7/2021, Bảo tàng đã tổ chức được 202 buổi học với 3.505 học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2, 3, 4, 5, 6 (trong đó có cả một số học sinh Việt Nam sinh sống tại nước ngoài. Với kinh nghiệm và thành công bước đầu, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng đã tiếp tục chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục mới, mở rộng phần lịch sử Việt Nam cận- hiện đại (từ đầu thế kỷ 20 đến nay), trong đó chú trọng việc đầu tư nghiên cứu, sử dụng có hiệu quả ứng dụng công nghệ, đồng thời luôn cập nhật, nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức giáo dục nhằm thu hút đông đảo các em học sinh, công chúng trong và ngoài nước.

Chị Khương Thị Oanh, ở  phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Lớp học lịch sử online cần được nhân rộng”

Là người công tác trong lĩnh vực giáo dục lâu năm, có con là cháu Đinh Duy Khánh (SN 2011) đang theo học lớp lịch sử online do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức, tôi thấy lớp học này thật bổ ích. Thấy con chăm chú nghe cô giáo giảng bài, cung cấp thông tin về anh Kim Đồng, về chị Võ Thị Sáu; rồi thấy con chủ động tìm hiểu thêm tư liệu về các nhân vật lịch sử thay vì xem tivi, chơi điện thoại, tôi thấy thật yên tâm. Mô hình dạy học này cần được nhân rộng không chỉ trong mùa dịch, qua đó giúp các con, nhất là những trường hợp không có điều kiện trực tiếp đến bảo tàng tham quan hiểu thêm về hiện vật, truyền thống lịch sử của dân tộc.

Em Vũ Ngân Giang, học sinh lớp 3A - Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện: “Con thích nhất phần trả lời các câu hỏi”

Tối thứ Tư nào cũng vậy, ăn cơm xong con lại lên phòng bật máy vi tính, vào mạng Internet để đợi cô Hà (chị Nguyễn Thị Hà – cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng). Qua các buổi học trên mạng, con đã hiểu thêm về anh Kim Đồng, chị Võ Thị Sáu, bác Phạm Tuân v.v.. Chúng con thấy mến các nhân vật anh hùng lịch sử lắm. Trong các nội dung học, con thích nhất là phần trả lời câu hỏi của cô. Con thích được tặng sao khi trả lời đúng câu hỏi của cô. Khi hết dịch, con muốn gặp “cô giáo” Hà vì con chưa biết mặt cô ngoài đời...!

Trần Huy
.
.
.