Làm gì để phụ huynh yên tâm cho con đến trường mùa dịch?

Chủ Nhật, 19/12/2021, 12:10

Học trực tuyến kéo dài ngoài việc kém hiệu quả còn khiến học sinh đứng trước nhiều nguy cơ tổn thương về tâm lý. Tuy nhiên, việc quay lại trường học trực tiếp cũng gặp nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi số ca nhiễm hàng ngày tăng cao, xuất hiện biến thể mới.

Việc phải suy tính giữa một mối nguy hại nhưng ngắn hạn ngay trước mắt là dịch bệnh, với một mối nguy hại lâu dài gây ảnh hưởng đến tương lai của trẻ khi không được đến trường đang là băn khoăn của rất nhiều cha mẹ học sinh hiện nay. Khái niệm trường học an toàn trong bối cảnh dịch bệnh được định nghĩa như thế nào, cần những điều kiện gì để phụ huynh có thể an tâm cho con đi học trực tiếp? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội xung quanh câu chuyện này.

Làm gì để phụ huynh yên tâm cho con đến trường mùa dịch? -0
PGS.TS Trần Thành Nam.

PV: Sau một thời gian Hà Nội “mở cửa trường học” cho học sinh lớp 12 đi học trở lại, tỷ lệ học sinh đến lớp học trực tiếp tại một số trường, một số khu vực khá thấp, cá biệt có trường chỉ có 1 học sinh đến lớp. Theo ông, vì sao phụ huynh vẫn ngại cho con đến trường?

PGS.TS Trần Thành Nam: Bối cảnh vừa qua khi các ca nhiễm tăng lên và có thêm biến chủng mới đã buộc phụ huynh phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Từ góc độ tâm lý, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm cho nỗi lo của các bậc làm cha làm mẹ vì có những thứ chúng ta không thể thử và không thể mắc sai lầm. Tuy nhiên, có thể thấy trong thời gian vừa qua có nhiều thông tin chưa được “thông suốt” đã làm cho phụ huynh lo lắng.

Đơn cử như việc, có bao nhiêu phần trăm phụ huynh biết được rõ cách thức các nhà trường chuẩn bị cho công tác phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn đón các con quay trở lại trường học? Rồi nỗi lo, nhà trường chuẩn bị kỹ năng như thế nào để ứng phó, nếu xuất hiện F0, các con có bị “kẹt” lại trường? Rất nhiều câu hỏi, nhiều tình huống phụ huynh đặt ra mà chưa có được câu trả lời thỏa đáng từ nhà trường, từ chính quyền địa phương khiến phụ huynh lo lắng.

PV: Ngoài các lo lắng liên quan đến vấn đề sức khoẻ y tế do số ca nhiễm hàng ngày trên địa bàn tăng cao, một số học sinh tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine, việc phụ huynh ngại cho con đến trường có liên quan đến yếu tố tâm lý không, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Khi số ca nhiễm hàng ngày tăng cao, nhiều em lại chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine nên nguy cơ cũng sẽ lớn hơn. Suy luận, lo lắng này là bình thường, dễ hiểu. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề, đó là cách quản lý cảm xúc có phần né tránh, phóng đại nguy cơ của một số phụ huynh, học sinh. Do mở cửa trường học phải đảm bảo an toàn, các dịch vụ tiện ích tạm thời không kích hoạt nên phụ huynh cảm thấy không tiện cho công việc của họ. Rồi quá trình hỗ trợ con đến trường, do dịch bệnh nên phụ huynh không được tham gia vào một số khâu như trước khiến họ bất an, lo lắng. Thực tế này khiến phụ huynh ưu tiên yếu tố an toàn, lựa chọn đặt an toàn lên hàng đầu với suy nghĩ cứ học nốt, thi online nốt đến khi nào ổn thi đi học lại.

Đối với học sinh, do thời gian học trực tuyến kéo dài, nhiều em đã tự cô lập mình vì các kỹ năng xã hội tương tác với người thật ở trong môi trường học tập trực tiếp bị cùn mòn. Kỹ năng sống của các em bị giảm xuống, bị “chuội” đi nên khi quay trở lại trường sẽ dễ bị choáng ngợp. Các em sợ hãi với việc phải dậy sớm, phải tiếp xúc với người này người khác, phải đối diện với bắt nạt học đường, đối diện với sự kỳ thị. Các em sợ học trực tuyến, thi trực tiếp sẽ không đáp ứng được yêu cầu của người lớn. Các em sợ việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp sẽ bị lộ ra những “lỗ hổng” kiến thức trong quá trình học online hay việc ghi chép bài không đầy đủ.

PV: Trong thời gian qua, phụ huynh vẫn cho các con ra vui chơi tại nơi công cộng để tham dự các hoạt động nhưng lại không muốn cho trẻ đến trường, vậy điểm khác nhau ở đây là gì, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Theo tôi, khi các bậc phụ huynh đưa con ra nơi công cộng, đồng nghĩa với việc họ ý thức được con trẻ ở nhà đến thời điểm này đã có những hệ quả rất lớn đến tinh thần và thể chất, vậy nên bắt buộc họ phải cho con ra ngoài để cân bằng lại tâm lí. Cần mang các con ra khỏi không gian ảo của máy tính, điện thoại, tivi để kết nối lại với môi trường thực.

Tuy nhiên, khi cho con ra nơi công cộng, bản thân phụ huynh sẽ đánh giá, kiểm soát được có nguy cơ gì không và có thể chủ động giảm nguy cơ, kiểm soát an toàn. Ví dụ như họ được lựa chọn hoạt động vào trong khoảng thời gian, bối cảnh nhất định như vắng người hoặc người thân cùng tham gia hoạt động với nhau. Trong khi đó, cho con đến trường, ở trường sẽ có nhiều biến số, họ sợ không được hiểu, không được lắng nghe và không được trả lời một cách thỏa đáng.

PV: Học trực tuyến kéo dài dẫn đến trẻ ngại giao tiếp, ngại hoạt động, về lâu dài có thể gây ra những tổn thương tâm lý nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Trẻ bị giam ở trong nhà lâu, từ 6-8 tháng sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến thể chất và sức khoẻ tinh thần. Trong thời gian trẻ phải học trực tuyến ở nhà quá dài, có khá nhiều em bị ảnh hưởng tổn thương sức khỏe tinh thần, rối loạn lo âu, trầm cảm. Trẻ mầm non nhiều em bị chậm nói, tỷ lệ trẻ béo phì và gặp các bệnh về mắt tăng, thậm chí một số em mất kiểm soát cảm xúc do cơ thể mệt mỏi dẫn đến các hành vi không phù hợp. Sức khoẻ xã hội cũng bị ảnh hưởng do các em tương tác trên không gian mạng nhưng lại “cô đơn giữa biển người”.

Ngoài việc học không có kết nối về mặt cảm xúc, khả năng giao tiếp bị “chuội” đi, nhiều em còn không tham gia việc nhà, ứng xử với bố mẹ rất khác so với trước. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các em sẽ càng ngại bước ra khỏi nhà, có nguy cơ trở thành “thế hệ nằm dài”, chỉ có thể làm bạn với internet.

Phụ huynh chúng ta cũng cần phải nhìn thấy sự e ngại của các con khi quay trở lại trường không phải vì các con thích học trực tuyến mà vấn đề ở đây là các con tự “thu mình” lại sau một khoảng thời gian rất dài phải học ở nhà. Sau một thời gian tương tác trên môi trường ảo thì những kĩ năng sống, những tương tác trong môi trường thật của các con đã bị cùn mòn. Bây giờ phải quay trở lại thì các con phải kích hoạt lại tất cả những kĩ năng tương tác trên môi trường thật đó cũng làm cho các con e ngại.

Bên cạnh đó, cảm xúc của cha mẹ không yên tâm, sợ nhiễm bệnh cũng đã ảnh hưởng rất nhiều với con trẻ, cũng làm cho trẻ gia tăng thêm lo sợ. Do vậy, vấn đề đặt ra là phụ huynh cần tư duy một cách thông thái hơn, suy tính giữa một mối nguy hại nhưng ngắn hạn ngay trước mắt là dịch bệnh, với một mối nguy hại lâu dài gây ảnh hưởng đến tương lai của trẻ khi không được đến trường.

PV: Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, thế nào là trường học an toàn cho học sinh. Cần những điều kiện gì để phụ huynh yên tâm cho con đi học trực tiếp?

PGS.TS Trần Thành Nam: Theo tôi, trường học an toàn được cấu thành từ một số yếu tố. Thứ nhất là an toàn về mặt cơ thể và y tế khi quy trình đảm bảo an toàn trong trường học được kích hoạt với đầy đủ các bước theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế, đặc biệt là việc đảm bảo giãn cách và điều này phải được truyền thông đầy đủ đến phụ huynh học sinh.

Thứ hai là an toàn về mặt sức khoẻ tinh thần và xã hội. Điều này đòi hỏi hệ thống tư vấn học đường cần được kích hoạt trước khi mở cửa trường để giúp học sinh được giải tỏa băn khoăn, được hỗ trợ tâm lý sau giai đoạn ở nhà dài.

Cùng với đó, nhà trường phải xây dựng được các kịch bản cụ thể, giúp các con ứng xử đúng với các tình huống bất ngờ như xuất hiện F0, F1, F2 trong trường học; lên kế hoạch kết nối cô-trò, tổ chức các buổi sinh hoạt chung để “kích hoạt” lại các kỹ năng tương tác thực sau thời gian dài học trực tuyến.

Nhà trường phải làm tốt công truyền thông, trao đổi về việc phụ huynh được quyền tham gia, có ý kiến hoặc tự quyết xây dựng mạng lưới an toàn, giúp phụ huynh có điều kiện tham gia vào một khâu nào đó để họ có thể yên tâm.

Nhà trường cũng cần trao đổi, chia sẻ để phụ huynh, học sinh thấy nguy cơ chỗ nào cũng có dù là ở nhà hay ở trường. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện theo các nguyên tắc an toàn như khi tham gia giao thông phải tuân thủ đúng các quy định (đội mũ bảo hiểm, đi đúng phần đường), trang bị các kĩ năng cần thiết, các quy định buộc phải tuân thủ cho các con khi trở lại trường thì nguy cơ sẽ được giảm thiểu và các con hoàn toàn có thể đi học trở lại trong bình thường mới.

Tôi cho rằng, nếu có sự trao đổi, chia sẻ và chung tay từ phía nhà trường, chính quyền địa phương và phụ huynh một cách thông suốt trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm thì chắc chắn phụ huynh sẽ yên tâm cho con trở lại trường khi dịch bệnh được kiểm soát.

PV: Thực tế thời gian qua cho thấy, tại nhiều nơi, trường học đã được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, khi xuất hiện F0 trong trường học, nhiều nơi đã lập tức đóng cửa trường. Theo ông, việc đóng cửa trường học cần thực hiện linh hoạt như thế nào để vừa đảm bảo an toàn, vừa không gián đoạn quá trình đưa trẻ đến trường trong bình thường mới?

PGS.TS Trần Thành Nam: Thực tế cho thấy, chiến lược ứng phó với dịch bệnh hiện nay đã có sự thay đổi, từ phong tỏa diện rộng đã chuyển sang khoanh vùng hẹp, sâu và kỹ. Do đó, việc mở cửa và đóng cửa trường học cũng nên linh hoạt theo xu thế chung. Chẳng hạn, khi xuất hiện F0, nhà trường tạm thời phong tỏa để truy vết kỹ, sau đó khoanh vùng hẹp chứ không nên đóng hẳn cửa trường. Chỉ nên đóng ở khu vực nguy cơ cao, còn khu vực an toàn, vẫn phải cho học sinh đi học trực tiếp trên tinh thần tuân thủ thông điệp 5K. Việc học trực tuyến và học online cũng cần được thực hiện song song và luân phiên để khi có diễn biến bất ngờ, có thể kích hoạt ngay sang học trực tuyến để không bị gián đoạn.

Chúng ta cần phải xác định rõ rằng, giáo dục cũng phải mở tương ứng khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Việc này cần phải đi song song và thống nhất với các chính sách khác để có thể vận hành xã hội trong bình thường mới.

PV: Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, việc tổ chức các kỳ thi có quy mô lớn, tầm quốc gia như thi chọn học sinh giỏi, thi tốt nghiệp THPT nên thực hiện như thế nào để vừa đảm bảo an toàn, khách quan, công bằng đối với học sinh tại các vùng, miền khác nhau?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đối với các kỳ thi có quy mô lớn như thi tốt nghiệp THPT, một trong các yếu tố đảm bảo khách quan cần phải tính đến là ngân hàng đề thi lớn và các câu hỏi có độ khó tương đương nhau. Đặc biệt, trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần đẩy nhanh công nghệ hoá các bài thi từ giấy lên máy tính như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.

Việc tổ chức thi trước mắt cũng tiến hành linh hoạt, thay vì chỉ tổ chức vào cùng một thời điểm, có thể tổ chức thành nhiều kỳ thi trong 1 năm với điều kiện các câu hỏi có độ khó tương đương để đảm bảo khách quan, công bằng. Về lâu dài, cần tách thi ra khỏi tuyển sinh, thi nhiều đợt trong năm và có thể tuyển sinh vào một thời gian nhất định nào đó. Áp dụng thành tựu khoa học đo lường, đánh giá, giúp việc làm bài thi diễn ra trên máy tính thay vì trên giấy như hiện nay.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.