Kỳ thi sẽ được tổ chức nghiêm túc, an toàn, bảo đảm công bằng cho thí sinh
Ngày 28/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Mặc dù kỳ thi cơ bản ổn định như năm 2022 nhưng vì là kỳ thi có quy mô lớn, diễn ra trên toàn quốc, kết quả thi lại được sử dụng cho nhiều mục đích, do đó, kỳ thi này được xã hội đặc biệt quan tâm.
Vậy công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đến nay ra sao? Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi, khâu lựa chọn cán bộ tham gia vào kỳ thi được thực hiện thế nào? Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, công tác chuẩn bị cho Kì thi tốt nghiệp THPT đến thời điểm này được thực hiện ra sao?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra với quy mô lớn, năm nay có hơn 1 triệu thí sinh tham gia thi và khoảng trên 250.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia vào các khâu tổ chức kì thi. Khâu quan trọng nhất, quyết định thành công của kỳ thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức kỳ thi bấy nhiêu.
Với trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 29/5/2023 về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Đồng thời, Bộ đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra thi trong cả nước. Triển khai các công việc về đề thi đảm bảo theo đúng yêu cầu trong Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ là đề thi tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi và tuyển sinh.
Đây là năm thứ hai Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến 100% trên Hệ thống Quản lý thi. Ở năm thứ hai, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra thuận lợi, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và xã hội.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được phân cấp về UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kì thi tại địa phương, do đó sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi… nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của kỳ thi.
Để kịp thời nắm tình hình chuẩn bị từ địa phương, Bộ GD & ĐT, Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, có thể thấy các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi.
PV: Như Thứ trưởng đã từng chia sẻ, đây là kỳ thi có quy mô rất lớn nên “kỹ bao nhiêu cũng không đủ”. Thứ trưởng đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại nhiều địa phương, ông có lưu ý gì cho các địa phương để kì thi được tổ chức chu đáo, an toàn nhất?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được thực hiện hết sức nghiêm túc theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.
Qua kiểm tra tại các địa phương, tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay. Các địa phương đã chuẩn bị đầy đủ và hết sức sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho kỳ thi. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương cũng được thực hiện tốt. Mặt khác, ngành giáo dục địa phương đã rất quan tâm tới học sinh; từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ thí sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả, tổ chức thi thử, không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn mà không dự thi được.
Để tổ chức tốt kỳ thi, một trong những lưu ý với địa phương là cần nâng cao nhận thức về kỳ thi. Đây là kỳ thi có quy mô lớn, số lượng thí sinh dự thi lớn; kết quả của kỳ thi vừa là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng dạy và học; các cơ sở giáo dục đại học cũng sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, các địa phương cần quan tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, bởi nếu không sẽ làm mất công bằng cho các thí sinh khác và cũng không phản ánh đúng chất lượng giáo dục của địa phương.
Các địa phương cần quán triệt thực hiện “4 đúng - 3 không” trong tổ chức kì thi. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.
PV: Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 luôn xác định “con người” là yếu tố quan trọng nhất. Vậy khâu lựa chọn cán bộ tham gia kỳ thi đã được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đúng là mọi thành công hay sơ suất của kỳ thi đều do yếu tố con người, do đó, Bộ GD & ĐT, Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị thật tốt nhân lực tham gia kì thi. Lựa chọn con người, bố trí, kiểm soát con người rất quan trọng. Bất cứ sai sót nhỏ nào của một cá nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi, không chỉ của tỉnh mà ảnh hưởng cả toàn quốc.
Trong đó, phải làm kỹ lưỡng công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm thi. Trong công tác tập huấn cần lưu ý những nội dung mới, cá thể hoá đối tượng tập huấn theo từng nhiệm vụ, nêu những tình huống giả định để tập huấn. Phương châm tất cả cán bộ tham gia thi phải được tập huấn, bao gồm cả đội ngũ dự phòng.
PV: Bộ GD&ĐT sẽ triển khai giải pháp nào để ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận bằng thiết bị công nghệ cao, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất kĩ vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp tốt với Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã ban hành hướng dẫn phối hợp, trong đó các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã rất tích cực phối hợp, cùng ngành Giáo dục bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi.
Bộ Công an đã triển khai, thực hiện nghiêm túc đồng bộ từ trung ương đến địa phương các công tác chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh cho toàn kỳ thi, tránh để xảy ra bất cứ sai sót nào. Bộ Công an cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra, đánh giá các an toàn trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt là sử dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi.
Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền cho thí sinh, phụ huynh hiểu những nội dung mà nhiều người dân, thậm chí cán bộ, giáo viên, học sinh chưa biết, như đề thi tốt nghiệp THPT là bí mật Nhà nước độ “tối mật”, ai làm lộ đề sẽ bị xử lý hình sự. Đồng thời, phải tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác coi thi để giám thị nhận biết được các dấu hiệu sử dụng thiết bị công nghệ cao diễn ra trong phòng thi…
PV: Kỳ thi đang tới rất gần, Thứ trưởng có lời khuyên nào gửi tới thí sinh?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Năm 2023 là năm thứ tư kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và là năm đầu tiên mối lo dịch bệnh không còn hiện hữu phức tạp như những kì thi trước. Mặc dù vậy, những học sinh dự thi năm nay vẫn là những học sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành Giáo dục thời gian qua đã tích cực hỗ trợ, củng cố kiến thức cho các em; bản thân các em học sinh cũng rất nỗ lực trong quá trình học tập.
Tôi đã đến làm việc với nhiều địa phương và gặp gỡ các em học sinh tại một số trường học trong những ngày ôn thi nước rút. Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Tôi mong rằng, các em sẽ mang tinh thần này để bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.
Tôi cũng muốn lưu ý các em, khi vào phòng thi, hãy thực hiện đúng quy chế, để tránh sai sót không đáng có. Các em nên đọc kỹ những vật dụng nào được mang vào phòng thi, như điện thoại, để thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, các em tuyệt đối không mang vật dụng đã cảnh báo để gian lận, vì với quy trình coi thi nghiêm ngặt, những hành vi gian lận chắc chắn bị phát hiện.
Thời gian không còn nhiều, các em cố gắng ôn luyện thật tốt, giữ gìn sức khỏe, tự tin, bình tĩnh để chinh phục kỳ thi cuối cùng của bậc học phổ thông.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!