Không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm khi triển khai học bạ số

Thứ Bảy, 17/08/2024, 08:45

Từ năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học trên phạm vi toàn quốc. Bộ GD&ĐT lưu ý các địa phương, qua thí điểm, cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền; không để có kẽ hở về mặt pháp lý, tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và học bạ số.

Điểm sáng về thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội là một trong những địa phương được Bộ GD&ĐT giao triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học từ tháng 4/2024. Tổng kết một năm thực hiện triển khai thí điểm học bạ số, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học.

Tính đến ngày 31/7, số học bạ được ký số trên tổng số học sinh tiểu học đạt 97,6%, trong khi đó tỷ lệ này ở một số địa phương cũng đang tiến hành thí điểm là 50%. Tỷ lệ 2,4% còn lại rơi vào một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong hè và sẽ hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung; một số học sinh trong các trường quốc tế, học sinh chưa được cha mẹ thực hiện cấp số định danh cá nhân.

Từ kết quả thí điểm đối với cấp học tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chính thức phát động việc triển khai học bạ số tại tất cả các trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học 2024-2025.

z5442000358434_e5a674cedb2e048f9c070b0b8fc1a3b2.jpg -0
Tập huấn cho giáo viên về triển khai học bạ số cấp tiểu học. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của GD&ĐT Hà Nội, hiện 100% trường tiểu học ở huyện Thạch Thất đã triển khai học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4. Tương tự, 100% các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng đã hoàn thành học bạ số năm học 2023-2024. Tại quận Hoàng Mai, hiện có 99,88% trường học trên địa bàn thực hiện học bạ số, với 34.660 học sinh từ khối 1 đến khối 4.

Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Hiện nhà trường đã hoàn tất 100% học bạ số cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 năm học 2023-2024. Thay vì phải in ra giấy và ký tay toàn bộ thì chỉ cần vài cú nhấp chuột, giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng đã có thể hoàn thành việc ký, đóng dấu học bạ trên hệ thống, vừa tiết kiệm chi phí lẫn thời gian.

Khẳng định việc thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học bước đầu mang lại hiệu quả cao song Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cũng thừa nhận quá trình thí điểm vẫn còn một số khó khăn như phát sinh chi phí về hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số; giáo viên ở một số đơn vị phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số...

Từ thực tế trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất Bộ GD&ĐT ban hành văn bản sửa đổi Điều lệ trường học các cấp học; Quy chế tạo lập, quản lý, sử dụng học bạ số tạo hành lang pháp lý triển khai chính thức học bạ số từ năm học 2024 -2025 đồng bộ từ cấp tiểu học, THCS, THPT; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện để tất cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục sẽ được cấp chữ ký số dùng chung của Ban cơ yếu Chính phủ không phân biệt trường công, trường tư; đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông đảm bảo an toàn, bảo mật, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục để lưu trữ học bạ số…

Mạnh dạn triển khai ở nơi làm tốt, tháo gỡ vướng mắc ở nơi còn khó khăn

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trước yêu cầu của Đề án chuyển đổi số quốc gia và xuất phát từ đòi hỏi trong công tác quản lý của ngành, Bộ GD&ĐT xác định việc triển khai xây dựng thí điểm học bạ số là cần thiết. Học bạ được số hóa sẽ lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.

Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể. Việc thí điểm đã được thực hiện đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 từ năm học 2023- 2024.

Tính đến hết ngày 12/8, có 63/63 Sở GD&ĐT đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT; có 61 Sở GD&ĐT đã đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT; có 59 Sở GD&ĐT đã thực hiện gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT với 4.241.906 học bạ số cấp tiểu học chiếm tỷ lệ 59,47%. Các nhà trường cơ bản đã có phần mềm quản lý trường học của Sở GD&ĐT xây dựng hoặc các nhà cung cấp phần mềm cung cấp; cán bộ quản lý, giáo viên đã làm quen với nghiệp vụ phần mềm quản lý trường học; cơ sở dữ liệu ngành về cơ bản có đủ thông tin cho quá trình khởi tạo, cập nhật học bạ số.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy triển khai học bạ số là một việc làm mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh, diễn ra phạm vi khắp các vùng, miền trên cả nước với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau nên cần thận trọng thí điểm từng bước trước khi triển khai đại trà.

Tuy vậy, ông Thưởng cũng lưu ý các địa phương không đợi đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ mới thực hiện thí điểm học bạ điện tử mà tận dụng tối đa các điều kiện của những nơi làm tốt, hướng dẫn, phối hợp với nơi làm chưa tốt, tháo gỡ vướng mắc ở những nơi còn khó khăn.

Còn trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thực hiện thí điểm học bạ số, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các địa phương, qua thí điểm, cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền; không để có kẽ hở về mặt pháp lý, tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và học bạ số, đặc biệt liên quan đến phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý trung tâm, chữ ký số, đầu tư hạ tầng thiết bị. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn kinh phí để thực hiện hiệu quả nội dung chuyển đổi số trong ngành Giáo dục theo quy định, lộ trình thực hiện học bạ số.

Huyền Thanh
.
.
.