Không “chạy theo thành tích” trong xây dựng và phát triển trường chuyên
“Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”...
Ngày 21/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được vị thế dẫn dắt toàn hệ thống về chất lượng giáo dục phổ thông, nhiều ý kiến tại hội nghị đề nghị cần có chiến lược tiếp tục đổi mới xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao và trường chuyên phải là nơi đầu tiên thực thi, lan toả việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Báo cáo tổng kết 10 năm của Bộ GD&ĐT khẳng định, trong 10 năm qua, các trường chuyên đã khẳng định được phần nào vị trí là hình mẫu để có thể nhân rộng về chất lượng giáo dục phổ thông trên cả nước. Từ hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển từ 68 trường chuyên năm 2010 đến năm 2020 đã tăng lên 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Quy mô số lượng học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia.
Để hệ thống trường chuyên tiếp tục phát huy được những hiệu quả của mô hình giáo dục chất lượng cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng và trình Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2022 -2032” nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống chuyên trở thành các trường chất lượng cao, đặt trên nền tảng của các trường chuyên hiện có.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những thành tựu đạt được của hệ thống trường chuyên nhằm tăng cường nhận thức đúng đắn về mục tiêu giáo dục của trường chuyên đào tạo tinh hoa cho đất nước. Bên cạnh đó, quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường chuyên phù hợp, cân nhắc việc xây dựng 2 trường chuyên tại các thành phố lớn, tập trung phát triển 1 trường chuyên tại các tỉnh, bên cạnh đó có thể xây dựng hệ thống trường chất lượng cao. Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã trở thành cú hích, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, mà trực tiếp nhất là giáo dục phổ thông. Trao đổi về những việc cần làm và cần làm mạnh mẽ hơn nữa để phát triển hệ thống trường chuyên cả về quy mô và chiều sâu trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục nhìn nhận phát triển trường chuyên trong đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung, là khâu quan trọng trong phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục củng cố, phát huy tính tiên phong, mũi nhọn của hệ thống trường chuyên, vai trò của trường chuyên không chỉ cho trường chuyên và cần lan tỏa trong hệ thống, đặc biệt là về phương pháp, cách thức tổ chức và khoa học giáo dục.
Nhấn mạnh quyết tâm “không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời nhắc tới áp lực tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. “Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”- Bộ trưởng chia sẻ. Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và để nuôi dưỡng được nhân tài cần phương pháp phù hợp; trong đó cần phát huy được năng lực tự học của học sinh và khích lệ để tài năng tỏa ra. Do vậy, trong sự phát triển trường chuyên, ngoài cơ sở vật chất, đầu tư cũng cần lưu ý phương pháp giáo dục phù hợp cho hệ thống này.