Kết thúc ngày đầu thi tốt nghiệp THPT: Nghiêm túc, an toàn, thí sinh vi phạm quy chế giảm
Ngày 27/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành ngày thi đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với hai môn Ngữ văn và Toán. Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngày thi đầu tiên diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Môn Văn có 7 thí sinh bị đình chỉ do vi phạm quy chế thi (3 thí sinh mang tài liệu và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động); môn Toán có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi (1 thí sinh bị khiển trách, 2 thí sinh bị đình chỉ). So với năm 2023, số thí sinh vi phạm quy chế ngày thi đầu tiên đã giảm (môn Ngữ văn năm 2023 có 12 thí sinh bị đình chỉ, môn Toán có 4 thí sinh bị đình chỉ).
Bộ GD & ĐT cho biết, tổng số thí sinh đăng kí dự thi môn Ngữ Văn là 1.054.601, đạt tỷ lệ 99,62%; tổng số thí sinh đăng kí dự thi môn Toán là 1.050.224; đạt tỷ lệ 99,61%. Cả nước có 2.323 điểm thi và 44.775 phòng thi.
Sáng 27/6, trước buổi thi môn Ngữ văn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tới kiểm tra điểm thi Trường THPT B Duy Tiên, điểm thi Trường THPT Chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam và động viên học sinh, giáo viên ở 2 điểm thi này. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được tỉnh Hà Nam thực hiện chu đáo, bao gồm các điều kiện chuẩn bị về cơ sở vật chất, công tác tập huấn hướng dẫn cho cán bộ cũng như hỗ trợ thí sinh…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, năm nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tất cả các Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố tập trung lưu ý dành sự hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh. Ngoài yếu tố đây là kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì các em dự thi năm nay còn là lứa học sinh chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19 và Bộ GD & ĐT đã có những điều chỉnh trong chương trình học. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý các Sở GD&ĐT trong việc hỗ trợ thí sinh về ôn tập. Quá trình chuẩn bị đề thi, Bộ GD & ĐT cũng lưu ý sao cho đề ra phù hợp với nội dung đã được tinh giản trong chương trình dạy và học.
Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn, nhiều giáo viên dạy Ngữ văn nhận xét, đề thi năm nay vẫn giữ cấu trúc quen thuộc, không đánh đố thí sinh và phù hợp với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Hai phần “Đọc hiểu” và “Làm văn” trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kỳ thi năm 2017 đến nay với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có nhiều bất ngờ, không làm khó thí sinh nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú cho thí sinh. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo…
Về thi môn Toán, theo tổ Toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi Toán giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tương đồng với đề tham khảo Bộ GD&ĐT đã công bố. Điều này sẽ không gây xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, đề thi vẫn có sự phân hóa mạnh ở nhóm các câu hỏi cuối để phục vụ cho mục tiêu xét tuyển đại học. Dự kiến phổ điểm sẽ dao động ở mức 7 điểm, số lượng điểm 10 sẽ rất ít. Một số giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho hay, đề Toán khá dài và sự phân hóa của đề sẽ khiến phổ điểm Toán sẽ giảm so với những năm trước.
Sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, tại nhiều điểm thi, một số thí sinh vui mừng chia sẻ "trúng tủ" tác phẩm “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Điều đáng nói là trên mạng xã hội trước đó có thông tin thất thiệt về đề thi Ngữ văn, có đề cập đến tác phẩm "Đất nước" của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Sau khi tiếp nhận phản ánh đề thi môn Ngữ văn trùng với một số suy đoán trên mạng xã hội, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã yêu cầu Hội đồng ra đề thi báo cáo.
Theo báo cáo của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT 2024, đề thi môn Ngữ văn được ra đúng với cấu trúc, định dạng đã được Bộ GD&ĐT công bố, có sự phân phối hợp lý giữa phần Thơ và phần Văn. Phần “Đọc hiểu” của đề thi bàn về sự sáng tạo và trách nhiệm của người nghệ sĩ, những yếu tố tạo nên lịch sử nghệ thuật của nhân loại; không trùng với những suy đoán trước đó.
Về câu nghị luận xã hội (phần làm văn) liên quan đến ngữ liệu trong bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Hội đồng ra đề thi cho rằng, số lượng tác phẩm văn học trong chương trình hiện hành và phạm vi ra đề là có giới hạn. Do đó, việc suy đoán đúng tên tác phẩm, tác giả được sử dụng trong đề thi là ngẫu nhiên và có thể xảy ra. Tuy nhiên, đề thi sử dụng toàn bộ tác phẩm hay một phần tác phẩm hoặc một phần cụ thể nào của tác phẩm cũng như yêu cầu (lệnh hỏi) đối với thí sinh là hoàn toàn khác biệt so với suy đoán trước đó.
Bên cạnh đó, dù vào chủ đề gì, đề thi cũng luôn yêu cầu thí sinh phải có liên hệ thực tiễn, nêu được suy nghĩ, tình cảm, nhận xét, trách nhiệm của mình đối với vấn đề đó nhằm bảo đảm tính thực tiễn, định hướng giáo dục, bồi đắp tâm hồn, nhân cách mà nhiều tài liệu, tác phẩm,... đều hướng tới. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 khẳng định: "Đề thi môn Ngữ văn đã được bảo mật tuyệt đối".
Ngày 28/6, thí sinh sẽ bước vào ngày thi cuối cùng của kỳ thi với 1 trong 2 bài thi: Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (buổi sáng) và môn Ngoại ngữ (buổi chiều). Các Sở GD&ĐT trên toàn quốc đặc biệt lưu ý, thí sinh cần nhận thức đúng về việc đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật". Nếu thí sinh cố tình sao chụp, phát tán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật" đối với đề thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài thi trắc nghiệm và hết 2/3 thời gian làm bài của bài thi tự luận.