Hà Nội xây dựng lộ trình cho học sinh trở lại trường

Thứ Bảy, 16/10/2021, 09:06

Theo Công điện số 21 mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký ban hành về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới, từ ngày 14/10, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường...

Điều này cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh đã trở lại với nhịp sống “bình thường mới”. Trong khi bố mẹ đi làm, khi nào học sinh sẽ được đi học trở lại đang là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra tại thời điểm này.

Giãn cách xã hội kéo dài khiến học sinh phải ở nhà làm bạn mới máy tính, điện thoại, suốt ngày quẩn quanh trong nhà với lịch học khá dày. Việc học sinh không được giao tiếp trong một thời gian dài khiến nhiều cha mẹ lo lắng con bị ảnh hưởng tâm lý. Đó là chưa kể, tiếp xúc trực tiếp nhiều với màn hình máy tính, điện thoại cũng khiến thị lực của nhiều em bị ảnh hưởng.

Việc học sinh sớm được quay trở lại trường học khi dịch bệnh được kiểm soát cũng là mong mỏi chung của đông đảo phụ huynh, nhất là khi các cơ quan, doanh nghiệp đang bắt đầu quay trở lại “trạng thái bình thường mới”. Tại Hà Nội, trong sáng 14/10, rất nhiều phụ huynh đã phải tất tưởi tìm người trông con học online tại nhà để đảm bảo an toàn trong thời gian bố mẹ đi làm.

Hà Nội xây dựng lộ trình cho học sinh trở lại trường -0
Nhiều phụ huynh mong mỏi sớm có vaccine để học sinh được quay trở lại trường học an toàn. Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội xác nhận, tại thời điểm này, vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể về việc học sinh quay trở lại trường học. Trả lời báo chí trước đó, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết: Việc học sinh đến trường không chỉ là mong muốn của cá nhân ông mà còn của đông đảo người dân thành phố. Bởi một tiết học trực tiếp ở lớp, được tương tác với bạn bè, thầy cô giáo sẽ bằng từ 20 đến 30 tiết học trực tuyến. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đến trường của học sinh có nhiều khó khăn cần khắc phục.

Cụ thể đó là vấn đề chưa có vaccine cho học sinh dưới 18 tuổi. “Hà Nội có tổng số 2,1 triệu học sinh, cộng với 900 nghìn trẻ em chưa đến tuổi đi học. Mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm phòng sẽ không đảm bảo an toàn. Khi triển khai thực hiện mở cửa trường học, phụ huynh cũng rất lo lắng về điều này”, ông Cương nói. Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khi cho học sinh trở lại trường, cơ quan quản lý cũng phải có lộ trình.

Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để cho các cháu học trở lại. Trong đó, phương án khả thi nhất là cho học sinh đầu cấp, cuối cấp như lớp 6, lớp 9, 10, 12 học trước, sau đó theo lộ trình dần dần cho các cháu còn lại đi học. Tuy nhiên, việc này ban đầu cũng sẽ chỉ triển khai tại các khu vực an toàn, tại các khu vực “vùng xanh”, không có nguy cơ xảy ra dịch COVID-19.

Sự thận trọng khi mở cửa lại trường học không chỉ là lựa chọn của riêng Hà Nội mà đang là xu hướng chung của nhiều địa phương với quan điểm mở cửa trường học phải gắn với sự an toàn, với vaccine bởi trẻ em là nhóm yếu thế cần được bảo vệ. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước vẫn còn 31 tỉnh, thành cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình; 9 địa phương kết hợp giữa dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình; chỉ có 23 tỉnh, thành cho học sinh đi học trực tiếp. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến vào tháng 1/2022, học sinh có thể mới quay trở lại trường nếu được UBND TP cho phép và đảm bảo các tiêu chí an toàn trường học. Còn tại Hà Nam, 1 trong 25 tỉnh thành cho học sinh đi học trực tiếp từ đầu tháng 9, từ cuối tháng 9 đến nay, tỉnh này đã buộc phải chuyển toàn bộ học sinh các cấp sang học trực tuyến vì phát hiện hàng chục ca F0 là học sinh và giáo viên ở một số trường trên địa bàn.

Huyền Thanh
.
.
.