Gian nan đường đến trường của học sinh vùng cao Nam Giang
Thầy giáo Huỳnh Tấn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Tố Hữu cho biết, năm học này nhà trường có hơn 600 HS, trong đó khoảng 80% HS là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu. Theo thầy Tâm, việc tuyến QL14D bị hư hỏng, đường sá đi lại khó khăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc đi học của các em HS...
QL14D là con đường huyết mạch lên Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, qua các địa phương Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan. Đây là con đường lưu thông chính của nhân dân, trong đó có học sinh (HS) 10 xã của huyện Nam Giang. Tuy nhiên, từ giữa năm 2023 đến nay, tuyến đường này bị hư hỏng nghiêm trọng, hằng ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn chở quặng từ Lào về đi trên tuyến đường này, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân địa phương, gây khó khăn và thiếu sự an toàn cho việc di chuyển từ nhà đến trường của các em HS trên địa bàn các xã vùng cao huyện Nam Giang.
Sáng 5/9, sau Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Tố Hữu (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), em Bhling Thị Diệp (SN 2008, HS lớp 11 Trường THPT Tố Hữu) chia sẻ với PV Báo CAND, từ nhà em (thôn Tà Đắc, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) đến trường chừng 20km, chủ yếu di chuyển trên tuyến QL14D. Do đường này hư hỏng nặng nên nếu xuất phát từ nhà, mẹ em phải mất gần 1 giờ đồng hồ để chở em đến trường.
"Để khắc phục khó khăn này, em phải ở nhờ nhà người quen tại thị trấn Thạnh Mỹ để việc đi lại của thuận tiện hơn", em Diệp cho biết. Điều khiến nhiều HS lo lắng là mỗi cuối tuần về nhà thăm bố mẹ rồi sau đó đầu tuần tập trung lại về trường để học tập, đường đi nhiều hố bụi, trơn trượt, những hôm mưa nước đọng lại tạo thành vũng bùn, khiến việc đi lại khó rất nhiều so với thời gian trước đây. Bên cạnh đó, xe tải chở quặng từ Lào về đi trên tuyến QL14D rất đông nên cũng gây nhiều khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông nói chung trên tuyến đường này.
Em Bnướch Chơn (SN 2008, HS lớp 11 Trường THPT Tố Hữu) có nhà tại thôn Pà Tôi, xã Tà Pơơ, cách trường chừng 25km, chia sẻ, do QL14D bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nên để kịp đến trường, em phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị mọi thứ rồi người thân chở đến trường cho đảm bảo giờ giấc.
"Em ở nội trú trong trường. Nhưng do khu nội trú của nhà trường đang sửa chữa nên những ngày đầu đi học, em được nhà trường thông báo là chưa thể ở lại được, phải đi về trong ngày. Trong khi đường sá như thế, việc đi lại của em gặp rất nhiều khó khăn. Em mong sao tuyến QL14D sớm được nâng cấp, sửa chữa để chúng em thuận lợi hơn trong việc đến trường", em Chơn bày tỏ thêm.
Thầy giáo Huỳnh Tấn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Tố Hữu cho biết, năm học này nhà trường có hơn 600 HS, trong đó khoảng 80% HS là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu. Theo thầy Tâm, việc tuyến QL14D bị hư hỏng, đường sá đi lại khó khăn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc đi học của các em HS, nhất là các em ở các xã Tà Bhing, Tà Pơơ. Nhà trường cũng đã vận động phụ huynh cho HS ở lại học nội trú. Tuy nhiên, con đường từ nhà đến trường của các em vào những ngày cuối tuần không hề dễ dàng, nếu trước đây từ nhà đến trường chỉ mất 30 phút thì bây giờ thời gian đến trường phải gấp đôi, gấp ba. Hơn nữa, hiện mặt QL14D bong tróc hết lớp nhựa, chỉ còn lổn nhổn những hòn đá dăm, chi chít ổ voi, ổ gà. Mỗi khi ôtô đi qua, bụi bay mù mịt, phủ kín cây cối hai bên đường… Những tiềm ẩn mất an toàn giao thông khi đường xuống cấp trầm trọng cũng là điều lo ngại nhất của phụ huynh và phía nhà trường.
"Đường sá đi lại khó khăn nguy cơ ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đến việc đi học của HS; tác động tiêu cực đến việc đến lớp, thực hiện nội quy trường, duy trì sỉ số, chất lượng học tập và sức khỏe HS. Do đó, bên cạnh việc động viên HS và phụ huynh nhà trường, chúng tôi cũng đang thúc ép đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sửa chữa khu nội trú của nhà trường để sớm bố trí cho các em HS ở xa vào ăn ở, sinh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em khi ở tại trường", thầy Tâm chia sẻ.
Trong khi đó, tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (xã biên giới La Dêê, huyện Nam Giang) năm học này có 441 HS thì 100% các em phải đến trường thông qua tuyến QL14D. Trong đó, 245 học sinh đến trường hằng ngày và 196 học sinh ở nội trú, phải đi - về vào ngày cuối tuần. Quãng đường HS phải đi - về trên tuyến đường này trong ngày trung bình 10km (đối với ngày học 1 buổi). Lãnh đạo nhà trường cho biết, từ lúc xe trọng tải lớn chở quặng lưu thông, QL14D đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe, tâm lý, hiệu quả dạy - học của giáo viên, HS nhà trường.
Đối với giáo viên vùng thấp đi về vào đầu và cuối tuần, nếu đi xe máy thì nguy hiểm vì bụi, trơn trượt do bùn và đá, dễ xảy ra va chạm với xe chở quặng, nhiều giáo viên nữ phải mất hàng giờ giữa đường rừng để chờ thông xe. Còn nếu đi xe buýt thì phải mất 5-6 giờ rung lắc, thay vì 2 giờ cho đoạn đường 60km. Nhiều trường hợp phải mất cả ngày do xe chở quặng gặp sự cố giữa đường gây ách tắc.
Với HS, việc đi học bằng xe đạp hết sức khó khăn, không an toàn và ảnh hưởng đến việc học hành của các em; còn nếu phụ huynh chở các em đến trường thì ảnh hưởng đến việc làm lụng, nương rẫy.
"Tôi đã chứng kiến một hai mẹ bị ngã xe vì bị trượt, đứa con nhỏ bị chảy máu đầu. Tôi bị say xe ôtô, một ngày ngồi xe buýt để đi và về là không thể, đi xe máy thì quá nguy hiểm. Chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, sớm nâng cấp, sửa chữa tuyến QL14D", cô Hiên Thị Bích, giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi có nhà ở thị trấn Thạnh Mỹ, bức xúc chia sẻ.
Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, thực trạng tuyến QL14D bị xuống cấp, hư hỏng thời gian qua gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại cũng như giao thương hàng hóa của người dân.
"Chúng tôi được biết Bộ GTVT đã có công văn đề nghị các cơ quan thẩm quyền bổ sung thêm kinh phí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho một dự án và 19 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách. Trong 19 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách có Dự án cải tạo, nâng cấp QL14D. Nguồn kinh phí được đề xuất để thực hiện dự án cải tạo nâng cấp tuyến quốc lộ này là hơn 4.600 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Chúng tôi mong rằng, các cấp, các ngành quan tâm để Dự án cải tạo, nâng cấp QL14D sớm được triển khai thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho các em HS và giao thương hàng hóa của bà con địa phương", ông Sơn chia sẻ.
Năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT huyện Nam Giang quản lý 24 cơ sở giáo dục thuộc huyện với 73 điểm trường, tổng số học sinh (HS) 7.255, trong đó hơn 80% số HS là người đồng bào dân tộc thiểu số với 281 lớp. Chuẩn bị năm học 2024-2025, UBND huyện Nam Giang đã phê duyệt điểm trường, lớp, HS; chỉ đạo Phòng GD&ĐT và các trường tăng cường mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho HS nội trú, bán trú; tu sửa cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan trường, lớp, điểm trường để chuẩn bị tốt cho năm học mới. Đồng thời, đưa vào sử dụng các công trình đã đầu tư xây dựng để phục vụ cho năm học mới; chủ động hợp đồng giáo viên để bổ sung nguồn giáo viên còn thiếu. Bằng các nguồn vốn chương trình mục tiêu và ngân sách, năm 2024 huyện Nam Giang đã đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa các công trình cho giáo dục với số vốn gần 30 tỷ đồng.