Gian lận thi cử nếu bị phát hiện, thí sinh sẽ thiệt thòi nhất

Chủ Nhật, 23/06/2024, 07:17

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28/6 với sự tham gia của hơn 1,07 triệu thí sinh, tăng 45.000 thí sinh so với năm 2023. Đây là kỳ thi cuối cùng học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2006, từ năm 2025, thí sinh sẽ thi theo chương trình GDPT 2018.

Ngoài mục tiêu xét tốt nghiệp thì kết quả của kỳ thi này còn được nhiều trường đại học trên cả nước sử dụng để xét tuyển. Giải pháp nào để kỳ thi với quy mô lớn nhất, diễn ra tại các địa phương trên cả nước được đảm bảo an ninh, an toàn, nghiêm túc, khách quan và công bằng, là những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Chuyên mục "Trò chuyện Chủ nhật" của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xung quanh vấn đề này.

PV: Chỉ còn ít ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi này đã và đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đã tích cực chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo kế hoạch. Đến nay, công tác chuẩn bị của các tỉnh, thành, của các ban chỉ đạo hết sức chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt hiệu quả. Năm nay, các văn bản, chỉ thị, các kế hoạch triển khai công tác tổ chức thi được Bộ GD&ĐT triển khai rất sớm, từ tháng 3/2024, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong công tác chuẩn bị, từ bố trí phòng thi, lên danh sách thi, in sao đề thi, phối hợp giữa Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan.

Gian lận thi cử nếu bị phát hiện, thí sinh sẽ thiệt thòi nhất -0
GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT.

Cùng với đó, từ ngày 10/6, Bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi do Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn và các đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng đoàn. Các đoàn kiểm tra lựa chọn các địa phương phủ kín cả nước từ thành phố, đồng bằng đến miền núi, đặc biệt là địa phương có lượng thí sinh đông, có địa hình phức tạp… Tinh thần xuyên suốt của các đoàn kiểm tra là thống nhất chỉ đạo các địa phương triển khai một số việc, chuẩn bị một số khâu của kỳ thi như in sao đề thi, bố trí phòng thi hợp lý, đảm bảo quy chế, phối hợp phân cấp các điều kiện đảm bảo an toàn kỳ thi, từ điện lực, an toàn thực phẩm, giao thông đi lại, vận chuyển đề thi.

Các tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức triển khai với tinh thần tất cả các cán bộ tham gia hoạt động coi thi, chấm thi đều phải được tập huấn theo nhiệm vụ, chức năng của mình. Nhiều nơi đã chủ động tập huấn luôn cho cán bộ dự phòng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đủ điều kiện tham gia trong các tình huống đột xuất. Đặc biệt là nhiều địa phương đã xây dựng phương án dự phòng như vùng đảo Phú Quốc có thêm phương án vận chuyển đề thi bằng máy bay; hay ở vùng núi phía Bắc, nếu ngày kỳ thi diễn ra có mưa, Bộ GD&ĐT lưu ý các địa phương xây dựng kế hoạch dự phòng hỗ trợ thí sinh trong trường hợp mưa lớn; rồi các tỉnh, thành trao đổi thường xuyên với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để theo dõi sát tình hình thời tiết trong thời gian diễn ra kỳ thi; tăng cường truyền thông về việc lưu ý các thí sinh không mang các vật dụng cấm vào phòng thi; huy động các tổ chức xã hội vào cuộc hỗ trợ thí sinh. Có địa phương còn lên phương án hỗ trợ đưa học sinh đến điểm thi trong trường hợp các em ngủ quên. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng thành lập các đoàn thanh tra kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi và sau đó là chấm thi…

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có những điểm mới nào thí sinh cần lưu ý, thưa ông?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt kỳ thi năm nay giữ nguyên như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy chế. Trong đó, quy chế thi quy định rõ hơn các vật dụng cấm mang vào phòng thi, gồm: Giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Năm nay, Bộ GD&ĐT thay đổi một góc tờ giấy thi tự luận, thí sinh chỉ cần ghi số báo danh là được, không phải ghi đầy đủ cả chữ và số báo danh như trước để hạn chế nhầm lẫn. Với phiếu thi trắc nghiệm, vẫn giữ nguyên giấy cũ. Mặt khác, quy chế thi năm nay cũng bổ sung danh mục các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm để tạo sự công bằng cho thí sinh dự thi và các chứng chỉ ngoại ngữ đã được công nhận đến nay.

Thí sinh cần chú ý theo dõi để cập nhật thông tin, đối chiếu với các văn bằng, chứng chỉ mình đang có. Trong thời gian trước kỳ thi, thí sinh dự kiến bổ sung các chứng chỉ ngoại ngữ đầy đủ tính pháp lý do Bộ GD&ĐT quy định để được miễn bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp năm 2024. Tuy nhiên, các em cũng cần lưu ý, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ được miễn thi tốt nghiệp, nếu thí sinh xét tuyển đại học có môn ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển thì vẫn phải dự thi môn này để lấy kết quả xét tuyển.

PV: Trong Chỉ thị về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Công an tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Công tác phối hợp đã và đang được hai Bộ triển khai như thế nào, đặc biệt là công tác phòng, chống gian lận thi cử bằng công nghệ cao, thưa ông?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các tỉnh phối hợp với Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh, các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi. Văn bản phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã sửa và hoàn thiện vào năm 2023.

Năm nay, quy chế phối hợp này vẫn tiếp tục được sử dụng trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi, từ khâu chuẩn bị cho đến khi kết thúc kỳ thi. Bộ GD&ĐT luôn ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Công an trong việc huy động đội ngũ cán bộ tại 63 tỉnh, thành phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Trong đó, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp với Công an địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh an toàn cho hội đồng ra đề thi và quá trình vận chuyển, giao nhận đề đến 63 hội đồng thi; tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện các nguy cơ tiêu cực gian lận và vi phạm pháp luật liên quan đến kỳ thi, trong đó chú trọng nắm tình hình, đấu tranh xử lý các đối tượng có hành vi rao bán thiết bị công nghệ cao sử dụng để gian lận thi cử, hoặc các đường dây tiêu cực, gian lận trên toàn quốc. Riêng đối với việc truyền thông về các vật dụng cấm mang vào phòng thi, phòng chống gian lận thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao, năm nay, 2 Bộ tiếp tục chủ động phối hợp tuyên truyền trên tinh thần phòng ngừa từ xa, từ sớm, dựa trên tinh thần tích cực của cán bộ coi thi.

Cán bộ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đã tập huấn rất kỹ cho cán bộ coi thi tại các địa phương để biết cách nhận diện, phòng ngừa. Công an các đơn vị, địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức 63 đợt tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi, xây dựng chiến dịch truyền thông về công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi để nâng cao nhận thức cho những người tham gia tổ chức kỳ thi; phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao như xây dựng clip ngắn với nội dung phù hợp cho từng đối tượng, đăng tải trên các nền tảng truyền thông và mạng xã hội.

PV: Năm 2024 là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Cấu trúc, định hướng đề thi tốt nghiệp năm nay sẽ được xây dựng như thế nào, thưa ông?

Gian lận thi cử nếu bị phát hiện, thí sinh sẽ thiệt thòi nhất -0
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28/6. Ảnh minh họa

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Để tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên trong việc ôn tập, chuẩn bị tốt nhất về mặt kiến thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo vào cuối tháng 3/2024. Do năm 2024 là năm cuối dạy và học theo chương trình 2006 nên đề thi tốt nghiệp về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như năm ngoái. Song đề sẽ tăng cường một số nội dung vận dụng thực tiễn, từng bước tiếp cận với định hướng đánh giá năng lực theo yêu cầu của chương trình năm 2018, đề thi có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt ở các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Bên cạnh xét tốt nghiệp, việc đề thi có độ phân hóa tốt hơn cũng giúp các trường đại học xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp.

PV: Một vấn đề được học sinh và phụ huynh quan tâm là nếu không may có em lỡ bị trượt tốt nghiệp THPT 2024 thì năm 2025, các em sẽ thi lại theo chương trình GDPT năm 2006 hay chương trình GDPT năm 2018?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Trong trường hợp các thí sinh lớp 12 năm nay dự thi tốt nghiệp THPT 2024 nhưng không may bị trượt tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ tính toán tổ chức cho các em thi lại vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên cơ sở đảm bảo đúng nội dung thi, phương thức, cấu trúc, định dạng đề theo chương trình GDPT năm 2006. Nói cách khác, các em nếu không may bị trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 hoàn toàn có thể yên tâm khi các em học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó, không có việc học chương trình GDPT 2006 nhưng phải thi lại theo chương trình GDPT mới 2018.

PV: Ông có lời khuyên nào đối với thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có số lượng thí sinh dự thi là hơn 1,07 triệu, tăng 45.000 so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978 chiếm 4,38% tổng số thí sinh. Các thí sinh dự thi tại 2.323 điểm thi, tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023; tổng số phòng thi là 45.149. Với quy mô, tính chất quan trọng của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa là cơ sở để các trường đại học sử dụng kết quả thi để tuyển sinh nên các em học sinh cần chú trọng cả về mặt kiến thức lẫn sức khỏe để có thể đạt kết quả tốt nhất.

Trong những ngày chuẩn bị diễn ra kỳ thi, bên cạnh việc ôn tập, các em cũng cần giữ gìn sức khỏe, không nên thức quá khuya, giữ tinh thần thoải mái để tránh áp lực, căng thẳng. Cùng với đó, cần chú ý nắm vững các quy định của quy chế thi, nhất là các vật dụng không được phép mang vào phòng thi để tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ thí sinh bằng cách làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để học sinh nhận thức rằng, Bộ GD&ĐT, các địa phương, các thầy cô giáo, sở, ban, ngành liên quan đều cố gắng, quyết tâm để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng. Mọi gian lận nếu bị phát hiện thì thí sinh sẽ là người thiệt thòi nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông

Thu Phương - Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.