Giải pháp nào để "thương mại và phân phối" của Việt Nam phục hồi trong đại dịch COVID - 19?

Thứ Tư, 09/03/2022, 16:17

Ngày 9/3, Trường Đại học (ĐH) Thương mại phối hợp với Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường ĐH Quy Nhơn và ĐH Quốc gia Chung Nam - Hàn Quốc đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế thường niên với chủ đề “Thương mại và phân phối” lần thứ 3 năm 2022.

PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho hay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, thương mại và phân phối được xem là mắt xích quan trọng kết nối sản xuất và tiêu dùng. Hoạt động thương mại và phân phối không chỉ thúc đẩy lưu thông hàng hóa và dịch vụ mà còn hỗ trợ ngược trở lại quá trình sản xuất để tạo nên chuỗi cung ứng giá trị bền vững. Bên cạnh đó, thương mại và phân phối còn góp phần mở rộng quan hệ thương mại quốc tế, tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Như vậy, hoạt động thương mại và phân phối chính là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

hội thảo quốc tế.jpg -0
Các đại biểu đang chia sẻ giải pháp để khôi phục, phát triển thương mại trong bối cảnh đại dịch COVID - 19.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hoàng, giai đoạn vừa qua, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã minh chứng những tác động quan trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và đến hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt, khủng hoảng của chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID - 19 gây ra càng cho thấy tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 để ứng phó hiệu quả trước đại dịch COVID-19.

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã phân tích thực tiễn chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam nói chung và chuyển đổi số trong doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, logistics, nông nghiệp, du lịch nói riêng; xu hướng tiêu dùng, hành vi tiêu dùng, sự hài lòng của khách hàng trong bối cảnh đại dịch COVID-19; phân tích tác động của các hiệp định thương mại, hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa; phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất khẩu; vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách thúc đẩy lưu thông hàng hóa; ảnh hưởng của chính sách thương mại và phân phối quốc tế đối với Việt Nam…

1556-223141-corona-employee.jpg -0
Các đại biểu kiến nghị, doanh nghiệp phải có lộ trình và chiến lược chuyển đổi số bài bản.

Nói về thách thức chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, Ths. Phạm Thị Mai Quyên, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum cho biết, phần lớn các doanh nghiệp này khi chuyển đổi số đều gặp khó khăn về tài chính; 55,6% doanh nghiệp từ chối thực hiện với lí do chi phí chuyển đổi cao, 38,9% doanh nghiệp thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số và 32,3% doanh nghiệp thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ thông tin. Giải pháp được Ths. Phạm Thị Mai Quyên đề xuất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải xây dựng lộ trình chuyển đổi số cụ thể, có chiến lược chuyển đổi, xác định mô hình kinh doanh và khi thực hiện chuyển đổi số, rất cần sự nỗ lực đồng bộ từ nhà quản lý đến các cá nhân trong doanh nghiệp.

Ở một góc tiếp cận khác, các đại biểu quốc tế đã chia sẻ về những tác động của hàng rào kỹ thuật tới thương mại, tác động của Hiệp định Thương mại tự do, xu hướng phát triển logistics, xu thế phát triển của sản phẩm điện tử tới Việt Nam. TS. Hyuksoo CHO, ĐH Quốc gia Chung Nam, Hàn Quốc nêu quan điểm, các phương tiện vận tải quy mô lớn như tàu container, máy bay chở hàng chưa chắc đã có tác động tích cực tới năng lực cạnh tranh của ngành logistics, nên “việc mở rộng quy mô là con dao hai lưỡi”. Cơ sở hạ tầng vận tải đường biển, kết nối vận tài đường biển/hàng không và năng lực ICT đóng vai trò then chốt trong hiệu quả logistics. Còn GS. Hervé B. Boismery, Trường ĐH Aix – Marseille & ĐH Đảo Reunion, Cộng hòa Pháp đánh giá, dường như những hoạt động của Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất với giá trị gia tăng thấp; Việt Nam chưa áp dụng được mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất mà mới chỉ là mô hình tăng trường dựa trên nhân tố với nhiều hạn chế…

Thu Phương
.
.
.