Giải pháp nào để chặn “làn sóng” giáo viên nghỉ việc, chuyển trường?
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước hiện có khoảng 16.000 giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh toàn quốc đang thiếu hơn 100.000 giáo viên; trong năm 2022, các địa phương cần tuyển thêm 27.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên và từ nay đến năm 2025 sẽ tuyển 64.000 biên chế. Theo nhiều chuyên gia, đây là hiện tượng đáng báo động, cần được nghiên cứu nghiêm túc để sớm có giải pháp khắc phục.
Hệ lụy khi giáo viên nghỉ việc
Theo thống kê của ngành Giáo dục, số giáo viên nghỉ việc thuộc các cấp học mầm non, phổ thông công lập trên toàn quốc chủ yếu tập trung ở vùng kinh tế - xã hội phát triển. Ở những vùng này, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn, trong đó có nhiều người chuyển sang làm việc ở khối trường tư thục. Nếu đặt trong bối cảnh chung, đây cũng là sự chuyển dịch lao động bình thường trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, điều này sẽ gây mất cân đối về nhân lực trong một lĩnh vực có số lượng viên chức đông nhất với hơn 1,4 triệu người. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành Giáo dục đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên, đang phải đau đầu giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đau đầu tìm nguồn tuyển mới. Khi đội ngũ nhà giáo vừa thiếu, lại bị hao hụt thêm hàng năm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời cũng sẽ gây sức ép lên các nhà giáo đang làm việc.
Đáng ngại hơn, xu hướng nghỉ việc, chuyển việc ở đội ngũ nhà giáo có thể sẽ không dừng lại và sẽ trở nên trầm trọng hơn. Xu hướng này có thể gây ra phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhà giáo đang cống hiến, đặc biệt là những nhà giáo có kinh nghiệm và chuyên môn tốt.
TS Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Đây là một xu hướng cần được nghiên cứu và suy nghĩ nghiêm túc vì nó phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến công việc của nhà giáo và ngành giáo dục, phải chăng việc dạy học đang trở nên kém hấp dẫn người lao động, giá trị nghề nghiệp của nhà giáo bị sụt giảm, vị thế của người thầy không được coi trọng? Lòng yêu nghề, yêu trẻ và lý tưởng nghề nghiệp ở một bộ phận không nhỏ nhà giáo bị phai nhạt? Nghề sư phạm ngày càng trở thành một công việc mưu sinh hơn là một lý tưởng để cống hiến? Giáo viên đang phải chịu nhiều sức ép trong công việc?
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội khuyến học Việt Nam nêu quan điểm: Nghề giáo vốn được coi là nghề cao quý, thế nhưng vì mức lương quá thấp nên nhiều giáo viên vẫn phải chấp nhận bỏ nghề. Ngoài lương thấp, giáo viên còn phải “gồng gánh” thêm hàng loạt các chứng chỉ mang tính hình thức, gây tốn kém, thiếu hiệu quả thực tế, chịu nhiều áp lực hành chính, ngoài yếu tố chuyên môn.
Để giải quyết tình trạng giáo viên nghỉ việc, GS.TS Phạm Tất Dong kiến nghị, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan để cân đối ngân sách, có giải pháp khắc phục nhanh chóng, tránh để kéo dài càng làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến hoạt động của các trường trên cả nước. Gốc rễ giải quyết cho giáo viên là vấn đề nâng cao thu nhập để họ bảo đảm được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề. Các nhà quản lý giáo dục các cấp cũng phải ngồi lại với nhau để rà soát công tác quản lý giáo viên và hãy luôn suy nghĩ để cắt giảm hơn nữa những cuộc thi không cần thiết, những sổ sách hành chính, những nhiệm vụ kiêm nhiệm không thật sự cần thiết đang chi phối, làm giáo viên thêm mệt mỏi để các thầy cô được thực sự “tự do” và dành thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục.
Đồng bộ các giải pháp để “giữ chân” nhà giáo
Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, việc giáo viên chuyển việc, nghỉ việc có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Về chính sách tiền lương, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, thực hiện các chế độ đãi ngộ như phụ cấp nghề nghiệp, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… nhưng thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng còn rất thấp; trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống lại khá cao.
Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác có thu nhập cao hơn để trang trải cuộc sống; trong khi đó ở các khu đô thị, các khu công nghiệp, việc tìm kiếm việc làm mới là khá dễ dàng do nhu cầu lao động lớn của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số thầy cô dù gắn bó nhiều năm trong ngành nhưng trước những yêu cầu đổi mới giáo dục thì khả năng đáp ứng còn hạn chế nên cảm thấy bị áp lực. Một số thầy cô lớn tuổi, có sức khỏe không tốt cũng muốn nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn…
Đối với giáo viên mầm non, còn có lý do thời gian lao động trong ngày rất dài, cộng thêm áp lực từ phụ huynh và xã hội rất lớn. Ngoài ra, một số giáo viên được tuyển dụng và phân công đến công tác ở các địa phương khác, xa gia đình trong khi điều kiện sinh hoạt, công tác ở đó còn nhiều thiếu thốn, đường sá xa xôi, thiếu nhà ở công vụ, gặp khó khăn trong việc quan tâm, chăm sóc gia đình. Vì vậy số giáo viên này thường chuyển sang làm công việc khác ở gần gia đình hơn.
Ông Vũ Minh Đức cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tích cực phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất bổ sung biên chế còn thiếu cho ngành Giáo dục.
Mới đây, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung hơn 27.800 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục, qua đó, nhằm cải thiện chính sách tiền lương, tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Ngoài ra, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp giáo viên giảm bớt các công việc không đúng với chuyên môn của mình, giảm bớt áp lực không đáng có; tiếp tục rà soát các hội thao, hội thi, các hoạt động mang tính phong trào để tránh giáo viên phải tham gia. Bộ cũng sẽ quyết liệt hơn trong việc chấn chỉnh, hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.