Giá sách giáo khoa mới gấp 2-3 lần sách cũ

Thứ Tư, 14/06/2023, 15:08

Một bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 4, 8 và 11 mới theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 có giá 250.000 đến 390.000 đồng, cao hơn 2-3 lần so với bộ đang sử dụng.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá SGK mới của lớp 4, lớp 8 và lớp 11 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo". Công ty cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC) cũng đã có giá bộ "Cánh diều".

Đây là 3 bộ sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt sau khi thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023 - 2024.

Theo đó, sách giáo khoa lớp 4 cả bộ 14-15 cuốn, giá dao động 250.000-280.000 đồng.

Giá sách giáo khoa mới gấp 2-3 lần sách cũ -0
Luật giá sửa đổi sẽ quy định áp giá trần đối với SGK.

Bộ "Cánh diều" chưa có sách tiếng Anh, giá 230.000 đồng. Giá sách lớp 4 đang sử dụng, theo chương trình cũ, là 87.000 đồng. Như vậy, giá sách mới cao hơn khoảng 3 lần, tương tự giá sách mới của các khối lớp 3, 7 và 10 năm ngoái. Tuy nhiên, sách lớp 4 cũ chỉ có 9 quyển. Số cuốn tăng thêm trong bộ mới chủ yếu ở các môn Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm.

SGK lớp 8 và 11 cũng có giá cao hơn 2-3 lần bộ sách cũ. Sách lớp 8 đủ 14 cuốn của bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" có giá 270.000-300.000. Hai bộ còn lại thiếu một môn, từ 250.000-270.000 đồng.

Bộ SGK lớp 11 được bán khoảng 350.000-390.000 đồng. Số tiền này được tính tương đối trên giá đơn lẻ của 16 cuốn, trong đó có 9 cuốn thuộc các môn bắt buộc ở chương trình mới, 4 cuốn sách môn lựa chọn và 3 sách chuyên đề. Riêng bộ "Cánh diều", phụ huynh sẽ phải chi trả mức cao hơn do chưa có sách Tiếng Anh.

Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021. Hiện, chương trình được áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Tháng 9 năm nay, đến lượt khối 4, 8, 11 và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song với chủ trương "một chương trình, nhiều SGK", bỏ độc quyền trong biên soạn và phát hành SGK.

Luật giá và các văn bản hướng dẫn quy định giá SGK do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp. Tuy nhiên, trước việc giá SGK mới tăng và để đảm bảo quyền lợi của người học, Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đã đề xuất đưa SGK vào danh mục hàng hoá do Nhà nước quản lý giá.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của dự thảo Luật giá sửa đổi do Bộ Tài chính xây dựng. Theo đó, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này vừa nhằm tạo tính cạnh tranh của thị trường, vừa góp phần hạ giá bán SGK và bảo đảm lợi ích người dân.

Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thống nhất chủ trương này khi sửa đổi Luật giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ SGK phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá SGK với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.

Hùng Quân
.
.
.