Đưa "thực đơn" để học sinh chọn môn học

Thứ Ba, 03/05/2022, 10:35

Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 trên toàn quốc sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Với chương trình mới, học sinh sẽ học 7 môn bắt buộc và 5/9 môn tự chọn từ ba nhóm Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và nghệ thuật. Để thuận lợi cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các trường THPT phải khảo sát nhu cầu học các môn tự chọn của học sinh lớp 9 và công khai các tổ hợp lựa chọn trong đề án tuyển sinh của trường.

Đưa
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường THPT phải khảo sát nhu cầu học tập các môn lựa chọn của học sinh lớp 9 nếu các em được vào học lớp 10. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, 100% các trường THPT trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó bên cạnh công tác rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhiều trường cũng đã xây dựng kế hoạch dự kiến các tổ hợp môn học chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, tổ chức dạy học cho năm học mới.

Phương án trước mắt được một số trường dự kiến thực hiện đối với nhóm môn lựa chọn là đưa ra “thực đơn” môn học dựa trên số lượng giáo viên và điều kiện thực tế của nhà trường. Học sinh sau khi được tư vấn sẽ đăng ký dựa trên "thực đơn" đã được xây dựng sẵn. Điều này giúp các trường có thể bố trí, sắp xếp đảm bảo giáo viên có chuyên môn và thời gian hợp lý. Theo các trường, nếu để học sinh toàn quyền lựa chọn, nhà trường, giáo viên khó có thể "chạy" theo đáp ứng nhu cầu của các em khi về lý thuyết, có tới 108 tổ hợp môn học.

Bà Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ: Để chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới, nhà trường đã nâng cao nhận thức của giáo viên về tính ưu việt của chương trình, tính tất yếu phải thực hiện chương trình mới. Cùng với đó, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xây dựng cấu trúc chương trình nội dung giáo dục theo các tổ hợp. Để học sinh lựa chọn các tổ hợp, các nhà trường trong cụm Đống Đa đã bàn bạc và xây dựng các tổ hợp tối ưu nhất để đưa các phương án phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thế mạnh các trường trong nội dung giáo dục để học sinh và phụ huynh nghiên cứu và lựa chọn.

Bà Lương Quỳnh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cũng cho biết, khi triển khai chương trình mới, có thể đội ngũ giáo viên sẽ thừa thiếu cục bộ. Do đó, nhà trường dự kiến đưa ra các tổ hợp, tư vấn giúp học sinh lựa chọn tổ hợp tối ưu nhất. Thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh về việc lựa chọn tổ hợp, cùng với đó đánh giá đội ngũ giáo viên của nhà trường để xây dựng môn tổ hợp. Khi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ thăm dò nguyện vọng của học sinh theo các ban.

Trong hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu mỗi trường THPT phải xây dựng một số tổ hợp môn học lựa chọn gồm 5/9 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học lựa chọn trong chương trình (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học) vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu học tập của học sinh và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nhà trường công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn môn học phù hợp.

Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD&ĐT. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo trường THPT phối hợp với phòng GD&ĐT tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của học sinh lớp 9 nếu các em được vào học lớp 10. Trên cơ sở nhu cầu học tập của học sinh và điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp. Tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ giúp học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn học.

Huyền Thanh
.
.
.