Đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong nhà trường: Sẽ tính toán hợp lý để tránh quá tải cho học sinh
Việc đưa môn Hà Nội học vào dạy tại các trường ở Thủ đô là cần thiết. Điều này giúp cho học sinh hiểu hơn về vùng đất, con người Hà Nội, phát huy các giá trị vốn có của mảnh đất ngàn năm văn hiến, từ đó tăng thêm lòng tự hào, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ để xây dựng Thủ đô tương xứng với vị thế vốn có.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thời lượng các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hiện đang khá nặng đối với học sinh các cấp, việc đưa Hà Nội học cùng chương trình Giáo dục địa phương vào khung chương trình năm học đòi hỏi cần có sự tính toán hợp lý, tránh gây quá tải cho học sinh.
Theo Kế hoạch số 182/KH-UBND về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”, Hà Nội sẽ hoàn thiện tài liệu và nghiên cứu đưa nội dung môn Hà Nội học vào chương trình giảng dạy tại các nhà trường, thực hiện tiêu chí Trường học hạnh phúc... Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng nêu rõ, nội dung bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học sẽ bám sát vào môn học Giáo dục địa phương của TP Hà Nội để cung cấp kiến thức tổng hợp và chuyên sâu về Hà Nội nhằm giúp đội ngũ giáo viên vững vàng về kiến thức để giảng dạy môn Giáo dục địa phương ở các cấp học. Đối với cấp Tiểu học và THCS, tập trung giới thiệu những vấn đề cơ bản về lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; địa lí, dân cư, cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; một số nội dung về kinh tế, xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống liên quan đến bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương. Đối với cấp THPT, tập trung giới thiệu các chuyên đề với các nội dung giới thiệu địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… những lĩnh vực ngành, nghề thế mạnh của địa phương hiện tại và tương lai nhằm giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố trong xu thế phát triển như hiện nay.
TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Văn hoá & Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: Thực tế Hà Nội học là môn học nghiên cứu và phổ biến những tri thức về Hà Nội, về mối quan hệ tổng hòa giữa con người với thiên nhiên, con người với con người trên một địa bàn có lịch sử văn hiến ngàn năm. Yếu tố cốt lõi của Hà Nội học là nghiên cứu chủ yếu về lịch sử và văn hóa Thủ đô nhưng cũng thông qua các dữ liệu về điều kiện tự nhiên, chính trị, hành chính, các hoạt động kinh tế, xã hội. Đồng thời, Hà Nội học là một môn liên ngành nên rất cần sự nghiên cứu sâu và có sự tổng hợp. Khi đưa môn Hà Nội học vào dạy ở các nhà trường thì bên cạnh dựa vào kết quả nghiên cứu cơ bản đã có sẵn thì người dạy cũng cần có sự nghiên cứu ứng dụng để tùy vào đối tượng học sinh mà giảng dạy với các phương pháp, cách thức phù hợp. Hiện nay, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đang chủ trì và kết hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng, Hà Nội hiện là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.913 trường học với 2,3 triệu học sinh. Công tác giáo dục luôn được thành phố đặc biệt quan tâm với mục tiêu đào tạo thế hệ học sinh tiệm cận công dân toàn cầu, giỏi ngoại ngữ, chuyên môn và am hiểu lịch sử. Thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trường Đại học Thủ đô biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, trong đó có kiến thức về Hà Nội học. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tập huấn cho cán bộ, giáo viên để mỗi thầy cô giáo là một tuyên truyền viên tích cực lan tỏa hình ảnh đẹp của Thủ đô văn hiến, văn minh, nghĩa tình.
Tuy vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, việc đưa môn Hà Nội học và giáo dục lịch sử địa phương vào trong các nhà trường hiện nay đang vướng phải một số rào cản. Trong đó, có vấn đề thời lượng chương trình học hiện nay đã quá nặng đối với học sinh các cấp. Cụ thể, khung chương trình năm học theo Chương trình GDPT 2018 đang quy định quy định cấp THCS có 1.032 tiết học/năm, tức là khoảng 29,5 tiết học/tuần; cấp THPT có 1.015 tiết học/năm, khoảng 29 tiết học/tuần. Do đó, để đưa Hà Nội học cùng chương trình Giáo dục địa phương vào khung chương trình năm học đòi hỏi ngành giáo dục cần có sự tính toán hợp lý, tránh quá tải cho học sinh. “Hiện nay, Luật Thủ đô sửa đổi đã cho phép Hà Nội chủ động trong việc này. Thời gian tới, khi được sự cho phép, chúng tôi chắc chắn sẽ triển khai đưa môn Hà Nội học vào chương trình giảng dạy trong các nhà trường”, ông Trần Thế Cương cho hay.