Đơn giản hoá thủ tục đăng ký xét tuyển đại học

Thứ Bảy, 04/03/2023, 08:41

Năm 2023, do kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức vào cuối tháng 6, sớm hơn so với các năm trước nên lịch xét tuyển đại học cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đẩy lên sớm hơn, tạo điều kiện cho các trường có thể khai giảng vào đầu tháng 9. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh việc đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung theo hướng đơn giản quy trình, hạn chế tối đa nhầm lẫn.

Nhiều phương thức tuyển sinh chưa hiệu quả, tỷ lệ nhập học quá thấp

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ tuyển sinh năm 2022, nhiều cơ sở đào tạo đã đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển “gây nhiễu”; còn hiện tượng thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy nhập hệ thống nộp lệ phí trực tuyến, giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời gây bức xúc cho thí sinh và xã hội.

334890052_1346356492887173_671353825388686127_n.jpg -0
Thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 5/7. Ảnh minh họa

Việc xét tuyển sớm cũng tồn tại một số hạn chế cần khắc phục; vẫn còn việc nhầm lẫn, sai sót của thí sinh về khu vực, đối tượng ưu tiên và vấn đề thí sinh tự do. Đặc biệt, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, chỉ thu hút chưa đến 1% số thí sinh tham gia nhập học. Đơn cử như phương thức xét tuyển qua phỏng vấn, chiếm 0,00%, tức là không có thí sinh nào nhập học; phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với phỏng vấn để xét tuyển chiếm tỷ lệ 0.01%; phương thức chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển chiếm tỷ lệ 0,13%; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển chiếm tỷ lệ 0,25%...

Cũng theo dữ liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, mặt bằng chung tỷ lệ thí sinh nhập học vào các trường đại học năm 2022 của cả nước là 48,09%. Nghĩa là cứ 100 em tốt nghiệp THPT năm 2022 thì có 48 em xác nhận nhập học đại học. Cả nước chỉ có 24 địa phương nằm ở mức mặt bằng chung trở lên. Các địa phương có tỷ lệ vào đại học cao nhất, lần lượt là Bình Dương, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh; Hải Phòng, Phú Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Các địa phương có tỷ lệ vào đại học thấp nhất cả nước (dưới 30%) gồm: Quảng Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Giang và Lai Châu.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch lớn. Trong đó, lĩnh vực thu hút thí sinh nhất năm 2022 gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và CNTT, Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khoẻ, Sư phạm. Các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất là Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê; Dịch vụ xã hội.

Đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển, hạn chế tối đa nhầm lẫn

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022, chỉ có một số điểm cơ sở đào tạo và thí sinh cần lưu ý. Đó là các cơ sở đào tạo phải sớm ban hành quy chế tuyển sinh cụ thể hoá quy chế của Bộ GD&ĐT, nhất là các đơn vị tổ chức kỳ thi riêng. Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

 Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của cơ sở đào tạo tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển (PTXT); đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo PTXT; loại bỏ các PTXT không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các PTXT; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 để các trường khai giảng vào đầu tháng 9; tiếp tục nâng cấp hệ thống xét tuyển chung bằng cách áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chỉ theo ngành đào tạo, không phải chọn phương thức xét tuyển. Điều này giúp đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển, giảm tối đa nhầm lẫn. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý đối với các đơn vị vi phạm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT, tích hợp và liên thông dữ liệu ngành nhằm giúp quá trình xét tuyển đại học minh bạch, hiệu quả hơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành, nghiệm thu và vừa rồi tập huấn các trường đại học để sử dụng. Đây là cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, và từng bước một để tất cả các cơ sở dữ liệu, nhiệm vụ khác sẽ phải tích hợp ở đây.

“Ngay trong năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Như vậy, toàn bộ quy trình tuyển sinh đại học, từ xác định chỉ tiêu cho đến việc đăng ký nhập học sau này sẽ liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là HEMIS”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Huyền Thanh
.
.
.