Đổi mới tuyển sinh đại học, giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thứ Hai, 20/09/2021, 08:40

Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay có mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp nên đề thi ngày càng dễ, độ phân hoá hạn chế, không còn thực sự phù hợp với việc xét tuyển đại học, nhất là các trường top đầu. Thực tế trên đòi hỏi các trường đại học cần tăng cường đổi mới tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong 2 năm 2020 và 2021, điểm chuẩn trúng tuyển đại học dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT liên tục tăng cao. Trong những nguyên nhân mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra khi lý giải về điểm chuẩn học năm 2021 tăng phi mã, có một lý do ít được nhắc đến là đề thi. Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay có mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp nên đề thi ngày càng dễ, độ phân hoá hạn chế, không còn thực sự phù hợp với việc xét tuyển đại học, nhất là các trường top đầu. Thực tế trên đòi hỏi các trường đại học cần tăng cường đổi mới tuyển sinh, giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

282b12ae-1510-4a18-9ccb-168f3ada4ce6.jpg -0
Các trường đại học cần tăng cường tự chủ tuyển sinh để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng kỳ vọng của xã hội. Ảnh minh hoạ

Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học có còn phù hợp?

Theo các chuyên gia tuyển sinh, có ba nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng cao. Trước hết số lượng năm nay thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước, số thí sinh xét tuyển đại học tăng hơn 24% trong khi chỉ tiêu không có sự tăng đột biến. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cũng tự chủ hơn trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi THPT như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế. Có không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức trên. Điều này dẫn đến áp lực lên tỷ lệ chọn trúng tuyển từ kết quả thi THPT ngày càng lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao.

Nguyên nhân thứ ba là do tình hình dịch bệnh, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây. Kết quả là mặt bằng phổ điểm các môn thi năm nay đều tăng mạnh, cá biệt có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi (từ 8 đến 10 điểm) tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn như Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…

GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội cho rằng: Những số liệu liên tục trong những năm gần đây chứng minh chất lượng và độ khó ngày càng dễ của đề thi tốt nghiệp THPT, nhất là từ năm ngoái đến nay khi kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn được Bộ GD&ĐT xem như phục vụ mục tiêu “2 trong 1” và xem tuyển sinh là việc của các trường, phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Với tình hình đề thi và kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 2021 cho thấy, điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng tỏ ra không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển đại học, nhất là với các ngành hot, trường hot.

Đồng quan điểm này, TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các Trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam cũng cho biết: Kết quả thi tốt nghiệp THPT hiện nay có thể chỉ đạt được mục tiêu xét tuyển đại học đối với số đông các trường thuộc top giữa và top dưới. Với các trường top đầu, do đề thi tốt nghiệp hiện có mức độ phân hoá không cao nên các trường này hoàn toàn có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ để lựa chọn học sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình. Trong đó, sơ tuyển là lấy kết quả thi THPT quốc gia, sau đó chọn ra số lượng cần đủ để tổ chức thêm kỳ thi phụ nhằm lựa chọn được thí sinh phù hợp.

Từ góc độ giáo viên phổ thông, thầy Đỗ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng cho biết: Hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT gần như chỉ còn 1 mục tiêu duy nhất là làm căn cứ xét tốt nghiệp, đề thi trở nên dễ hơn, giới hạn và phạm vi kiến thức hẹp hơn, tính chất phân hóa kém hơn hẳn, nhất là giữa học sinh xuất sắc, giỏi, khá. Ngoài ra, hiện nay do được trao quyền tự chủ nên các trường đại học cũng sử dụng nhiều phương thức để tuyển sinh nên học sinh cũng phải thích ứng bằng cách đa dạng các con đường khác nhau vào đại học, không nên chỉ tập trung vào phương thức xét tuyển bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT để hạn chế rủi ro.

Đề xuất tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm trường

Kể từ năm 2015, khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và hiện đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, hầu hết các trường đều sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh vào đại học. Thực tế cho thấy, ngoại trừ một số rất ít trường đi tiên phong trong việc thực hiện tự chủ tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, tổ chức bài kiểm tra tư duy, phần lớn số trường còn lại đều “rụt rè” trước chủ trương khuyến khích tự chủ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự e dè này được xác định là do các trường ngại tốn kém, ngại đối mặt với rủi ro.

Theo TS. Lê Viết Khuyến, Luật giáo dục Đại học đã giao quyền cho các trường đại học tự quyết định cách tuyển sinh của mình, nhưng trên thực tế các trường đều muốn đơn giản nên đều chọn cách áp dụng kết quả của phương án thi này. Trách nhiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT vì vậy càng thêm nặng nề và thách thức, nhiều lúc không gánh nổi. Đã đến lúc các trường đại học có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh đại học phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đề xuất phương án đổi mới tuyển sinh đại học trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, không thể trở về với cách tổ chức thi đại học trước đây là mỗi trường tự tổ chức thi mỗi kiểu theo hướng “trăm hoa đua nở”. Lý do là cách thi này sẽ gây tốn kém cho học sinh và toàn xã hội do phải dự thi nhiều lần. Bên cạnh đó, việc các trường tự ra đề thi, tự tổ chức thi cũng sẽ dễ khiến cho “lò luyện thi”, trung tâm luyện thi có cơ hội quay trở lại. Thay vào đó, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm trường. Điều này vừa tạo thuận lợi cho thí sinh, vừa thuận lợi cho chính các trường.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Việc tổ chức thi và xét tuyển theo nhóm trường trong bối cảnh hiện nay là hợp lý vì có thể bảo toàn được hệ thống đăng ký xét tuyển vào các trường đại học hiện tại vốn có rất nhiều ưu điểm. Thực tế những năm qua cho thấy, nếu không có kỳ thi THPT quốc gia (kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay) mà các trường đại học tự tổ chức kỳ thi, khi thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào thì chỉ có cách đăng ký dự thi vào trường đó, trừ trường hợp các trường liên kết với nhau thành một hệ thống sử dụng chung kết quả một kỳ thi do một trường đại diện tổ chức. Điều này gây tốn kém, lãng phí không cần thiết cho thí sinh và toàn xã hội.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, mặc dù không có quy mô toàn quốc và hoàn thiện về quy chế hoạt động như kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức được gần 60 trường  phía Nam dùng chung kết quả để xét tuyển cũng có thể xem là một mô hình về xét tuyển chung theo nhóm trường.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào đại học là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện và Việt Nam cũng đang từng bước triển khai như cách mà ĐHQG TP.Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội đã và đang làm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, rất cần có sự kiểm soát chất lượng và cầm trịch của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là trong khâu xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hoá nhằm tạo lập được sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau. Điều này không chỉ đảm bảo công bằng, khách quan trong tuyển sinh mà còn giải quyết được các vướng mắc phát sinh khác như việc chuyển trường, chuyển ngành học giữa các cơ sở đào tạo cùng sử dụng kết quả của kỳ thi này.

Huyền Thanh
.
.
.