Đổi mới giáo dục pháp luật trong các trường học ở Thái Nguyên
Nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, giúp phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường, thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường với nhiều hình thức đa dạng.
Cuối tháng 11/2023, tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm công khai 2 vụ án hình sự về ma túy. Phiên tòa đã thu hút trên 500 cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường tham dự. Sau khi bản án được tuyên, nhiều sinh viên lặng đi, dường như trong các em có chung cảm nhận tệ nạn ma tuý có tác hại khủng khiếp thế nào, khiến đạo đức con người xuống cấp, gia đình tan vỡ, con cái bất hạnh; vi phạm pháp luật sẽ dính vào vòng lao lý, đánh đổi nhiều năm tuổi trẻ phía sau song sắt.
Trao đổi với chúng tôi, em Hà Minh Tâm, lớp Thú y 52N02, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: "Những phiên tòa xét xử lưu động như thế này rất có ý nghĩa với em và các bạn sinh viên. Phiên tòa giúp chúng em có thêm những kiến thức pháp luật, từ đó, chủ động phòng tránh tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật, nhất là không mắc phải tệ nạn ma túy".
Còn tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Thái Nguyên, ngày 11/3 vừa qua, nhà trường phối hợp với Công an thành phố Thái Nguyên tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật chuyên đề phòng, chống tệ nạn, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trên 550 cán bộ, giáo viên và học sinh của trường đã được nghe về các thủ đoạn của tội phạm mạng xã hội hiện nay và biện pháp phòng ngừa trước các mánh khóe lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; vai trò, trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tệ nạn, vi phạm pháp luật trên mạng…
Đại úy Lê Hoàng Hà, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, Công an thành phố Thái Nguyên cho biết: "Thời gian qua, tình trạng người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội trên địa bàn thành phố gia tăng, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì thế, trong buổi tuyên truyền, chúng tôi đã dẫn chứng các vụ việc cụ thể, giúp cán bộ, giáo viên và học sinh tiếp nhận dễ hiểu nhất. Từ đó, hình thành thói quen chấp hành pháp luật, ngăn ngừa tình trạng vi phạm trên không gian mạng".
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều buổi tuyên truyền của lực lượng chức năng thời gian qua nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh ở các trường học. Lựa chọn đối tượng, vấn đề tuyên truyền phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, một số đơn vị, địa phương đã đổi mới cách làm để phổ biến pháp luật hiệu quả trong học đường, như: TAND huyện Phú Lương tổ chức xét xử lưu động các vụ án hình sự tại Trường THPT Tức Tranh và Trường THPT Phú Lương; Công an thành phố Sông Công phối hợp với Trường THPT Sông Công tuyên truyền cho trên 1.400 học sinh của trường về tình trạng bạo lực học đường; TAND thành phố Thái Nguyên xét xử lưu động các vụ án về tàng trữ trái phép chất ma túy ở Trường Đại học Khoa học, Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên).
Đặc biệt, trước tình trạng nhiều học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, ngay đầu mỗi năm học, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị Công an địa phương tổ chức tuyên truyền lồng ghép dưới nhiều hình thức như: tọa đàm, sân khấu hóa, trả lời câu đố vui có thưởng, thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ có sự tham gia của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, mang lại hiệu quả tích cực...
Nói về hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Lan, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên cho rằng: "Thông qua các phiên tòa xét xử lưu động, hay các phiên toà giả định mà chúng tôi phối hợp với các cơ quan tố tụng tổ chức, các vụ việc, vụ án được dẫn chứng cụ thể giúp sinh viên tiếp nhận kiến thức pháp luật một cách trực quan sinh động, dễ hiểu nhất. Chứng kiến mỗi bản án được tuyên thể hiện sự răn đe, các em sẽ tự mình nâng cao nhận thức để không vi phạm pháp luật, không sa chân vào tệ nạn xã hội".
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhờ đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật trong học đường, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, giữ vững nền nếp, kỷ cương trường học, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên.