Quá tải trường lớp, nỗi lo cũ trong năm học mới:

Doanh nghiệp tiếp tục "bài ca" chây ỳ (Bài 2)

Thứ Ba, 20/09/2022, 05:50

Vấn đề thiếu trường, thiếu lớp cho học sinh của Hà Nội chưa khi nào lại nóng như lúc này. Tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu đô thị (KĐT) mới, các khu chung cư mọc lên như “nấm sau mưa”, dân số cơ học tăng nhanh khiến hạ tầng xã hội, trong đó có hệ thống trường học bị quá tải.

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là việc quy hoạch hệ thống trường học các cấp, đặc biệt ở các KĐT mới, những khu vực tập trung đông dân cư không phải không có nhưng rất nhiều doanh nghiệp chỉ chăm chăm xây nhà để bán mà “quên” xây trường mới dẫn đến tình trạng trên.

Chuyện “bốc thăm dành suất vào trường công” vẫn có nguy cơ tái diễn

Chưa đến mức phải tổ chức bốc thăm cho học sinh đi học như câu chuyện vừa xảy ra ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) mà chúng tôi phản ánh ở số báo trước, xong việc tuyển sinh đầu cấp của học sinh trên địa bàn phường Dương Nội (Hà Đông) cũng không ít áp lực.

khu do thi duong noi.jpeg -0
Nếu không sớm đầu tư xây trường học, mà chỉ tập trung xây dựng các hạng mục khác... để bán thì tình trạng quá tải trường, lớp vẫn tiếp tục xảy ra. (Ảnh minh họa)

Theo lãnh đạo UBND phường Dương Nội, những năm gần đây, cứ mỗi năm tuyển sinh đầu cấp là phường lại đứng trước nỗi lo quá tải. Trên địa bàn phường Dương Nội hiện nay có đến 15 trường học công lập (2 trường THCS, 6 trường tiểu học, 7 trường mần non), tuy nhiên đây đều là các trường học cũ trong khu dân cư và cũng đang quá tải với sĩ số khoảng 52 học sinh/lớp, thậm chí còn hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội, do trên địa bàn phường có nhiều KĐT mới như: KĐT Dương Nội, KĐT Geleximco, KĐT An Hưng nên tốc độ tăng dân số cơ học của phường những năm qua tăng nhanh với khoảng hơn 2.000 dân/năm. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, khi chung cư đang hình thành nhiều, nhà thấp tầng, biệt thự cũng đang mọc lên san sát thì tốc độ tăng dân số tới đây sẽ còn lớn hơn nhiều.

“Hầu hết những người về các KĐT đều là các gia đình trẻ đang có con cái trong độ tuổi đi học. Mỗi năm trên địa bàn phường phát sinh thêm khoảng 500 cháu đi học/năm. Chính vì thế công tác tuyển sinh rất vất vả. Ví dụ như năm nay, một số trường giáp ranh với địa bàn của các xã, phường La Khê, Yên Nghĩa, chúng tôi đã phải điều tiết tuyến. Tình hình năm tới và trong một vài năm nữa nếu không đầu tư trường học thì chỗ học cho các cháu sẽ rất là khó khăn, việc phải bốc thăm như câu chuyện của phường Hoàng Liệt ở Hoàng Mai vừa qua là không tránh được”, bà Thu chia sẻ.

Đề cập đến việc, thiếu trường, thiếu lớp nhưng các chủ đầu tư rất chậm trễ trong việc triển khai các dự án trường học, bà Thu bức xúc cho hay, theo quy hoạch KĐT Geleximco không có trường công lập mà chỉ có 6 trường tư thục. Trường tư thục thì không thể đáp ứng được mặt bằng của đời sống dân sinh bởi không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cho học trường tư thục. Trong khi đó, KĐT Dương Nội với hơn 100ha đất nhưng đến nay chủ đầu tư mới đầu tư xây dựng được 3 trường ở những khu vực biệt lập nhưng cũng đã được phủ kín với tỷ lệ trên 50 học sinh/lớp.

“Không biết một thời gian nữa, khi dân về ở đông thì chúng tôi sẽ phải điều tiết tuyến như thế nào. Hiện nay, KĐT Dương Nội đang còn 10 trường học công lập phải xây dựng theo quy hoạch nhưng chủ đầu tư chưa triển khai. Các dự án trường này mới chỉ có quy hoạch và họ cũng đang xin giãn tiến độ. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị với quận, để quận kiến nghị lên thành phố yêu cầu chủ đầu tư triển khai các dự án trường học nhưng vấn đề là hiện nay chủ đầu tư cứ “chây ỳ”, chỉ tập trung vào xây dựng đô thị, xây nhà để bán”, bà Thu bức xúc cho hay. Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa, quận hiện có dân số khoảng 500.000 người. Mỗi năm, số học sinh tăng từ 6.000 - 7.000, sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp, nhóm trẻ là khá đông. “Cứ với tốc độ tăng trưởng dân số, đô thị hóa như hiện nay mà số trường học không được xây dựng thì dự báo trong 5 năm tới, quận Hà Đông sẽ thiếu trường học trầm trọng. UBND quận Hà Đông đang thúc giục chủ đầu tư các KĐT mới trên địa bàn sớm triển khai xây dựng trường học, đưa vào phục vụ giảng dạy”, bà Hòa cho biết.

Dự án trường học nhiều năm vẫn… nằm trên giấy

Câu chuyện thiếu trường nhưng các dự án trường học sau nhiều năm vẫn… nằm trên giấy như ở phường Dương Nội (Hà Đông), hay phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) mới phải tổ chức bốc thăm suất học cho học sinh không phải là cá biệt. Đơn cử, theo quy hoạch tại quận Hà Đông, 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị, gồm: KĐT Geleximco, KĐT Phú Lương, KĐT Dương Nội, KĐT Văn Khê nhưng việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở. Nhiều năm qua, dù có tới 22 dự án nhưng mới chỉ có 8 dự án trường học hoàn thành, đưa vào sử dụng nên chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn. Trong khi đó, trung bình mỗi năm, số học sinh trên địa bàn quận Hà Đông tăng 6.000 - 7.000 học sinh nên việc đầu tư xây dựng trường học ở các khu đô thị mới trên địa bàn quận là rất cấp thiết. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại các quận, huyện khác của Hà Nội.

Đơn cử như KĐT Thanh Hà (huyện Thanh Oai) có 23 ô đất đất quy hoạch để xây dựng trường học nhưng vẫn bị bỏ không. Tại địa bàn quận Hoàng Mai, chủ đầu tư nhiều KĐT, nhà chung cư cũng không chịu thực hiện trách nhiệm đầu tư hạ tầng xã hội xung quanh, trong đó có trường học. Mới đây, quận Hoàng Mai đã có kiến nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội thu hồi 12 lô đất do chủ đầu tư chậm triển khai ở phường Hoàng Liệt để xây trường mầm non và trường tiểu học, trung học…

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, việc thiếu trường học, đặc biệt tại các KĐT là vấn đề nóng hiện nay của TP Hà Nội. Theo ông Nghiêm, quy hoạch chung của Hà Nội, cũng như là quy hoạch phân khu và đặc biệt là quy hoạch các dự án, nhất là các dự án KĐT mới thì quy hoạch đã tuân thủ theo các tiêu chuẩn để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (đảm bảo đủ hạ tầng xã hội bao gồm trường học, nhà trẻ, trạm y tế…). Hiện, Hà Nội “nóng” việc thiếu trường học thì nguyên nhân ở đây là do thực hiện quy hoạch. Khi giao cho các chủ đầu tư thực hiện xây dựng các khu đô thị, chủ đầu tư quá tập trung vào xây dựng các công trình như nhà chung cư, các công trình dịch vụ thương mại để sớm thu được lợi nhuận.

“Với những chủ đầu tư chậm trễ triển khai xây dựng cần có những biện pháp xử lý mạnh. Tuy nhiên, có một vấn đề tôi muốn đề cập ở đây là việc giám sát thực hiện, trách nhiệm trong việc giám sát các chủ đầu tư thực hiện xây dựng hạ tầng xã hội. Chính vì chính quyền đã phần nào “thả nổi” chủ đầu tư trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhất là tiến độ xây dựng hạ tầng xã hội nên mới có hiện tượng thiếu trường học như hiện nay. Chúng ta có quy định là các chủ đầu tư chỉ cho dân vào ở các KĐT mới khi đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Quy định thì như vậy nhưng kiểm tra như thế nào thì hiện nay những người được phân công, phân cấp chưa thường xuyên kiểm tra. Do đó phải tăng cường công tác giám sát và khi đưa vào khai thác phải đảm bảo đủ điều kiện, cái này cần phải làm rõ ra”, ông Đào Ngọc Nghiêm đánh giá.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khi xây dựng các KĐT mới, các khu nhà chung cư, chủ đầu tư chủ yếu chỉ quan tâm đến xây nhà để bán vì đây là phần lãi nhất, còn lại các dự án trường học, bệnh viện thường ít quan tâm. Chính do pháp luật không quy định chặt chẽ nên mới dẫn đến tình trạng này.

“Theo Nghị định 139/2017 quy định về việc xử phạt hành chính khi vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị thì chủ đầu tư chỉ bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với việc thực hiện đầu tư phát triển KĐT không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức phạt này quá nhẹ so với tiềm lực của các chủ đầu tư xây dựng các KĐT hàng nghìn tỷ đồng, không đủ sức răn đe. Tôi cho rằng chúng ta cần có những biện pháp mạnh. Chẳng hạn nếu xử phạt 3 tháng xong anh vẫn không thực hiện thì phải tước quyền điều hành của chủ đầu tư, giao đất đó cho một đơn vị công lập xây dựng trường học. Đối với các dự án đã đưa vào sử dụng rồi mà chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch có thể không công nhận vai trò chủ đầu tư đối với dự án đó nữa, giao quyền quản lý dự án cho một đơn hoàn toàn khác. Chúng ta phải xác định trường học trong các KĐT cũng là hạ tầng thiết yếu, chủ đầu tư chỉ được phép bán nhà khi đã có đầy đủ hạ tầng này. Muốn làm được điều này thì chúng ta phải sửa lại một số quy định của luật, tuy nhiên như thế mới đủ sức răn đe”, Luật sư Bùi Quang Hưng khuyến nghị.

Phan Hoạt-Huyền Thanh
.
.
.